Vào những năm 70 của thế kỉ 16, quảng trường Place Dauphine ở Paris là nơi tọa lạc xưởng chế tác của ba thương hiệu đồng hồ: Ferdinand Berthoud, Jean-Antoine Lépine, và Abraham-Louis Breguet non trẻ. Dù không còn ghi chép nào về trình độ phát triển kỹ thuật, song các tuyệt phẩm của ba nhà chế tác này nổi bật hơn hẳn so với các thương hiệu cùng thời, góp phần làm thay đổi ngành đồng hồ cơ thế giới.
Ngày nay, có vẻ các thương hiệu đồng hồ Pháp đã trải qua thời hoàng kim, và không sánh được với những tên tuổi của Đức hay Thụy Sĩ, chỉ còn sót lại vài nhà chế tác nhỏ như Alain Silberstein với phong cách rất riêng.
Vậy dấu ấn của người Pháp trong ngành đồng hồ có gì nổi bật?
Về trình độ kỹ thuật, rất nhiều thành tựu đỉnh cao của ngành công nghiệp đồng hồ Pháp đều xuất phát từ nỗ lực vượt lên người Anh trong việc tạo nên những mẫu đồng hồ đi biển marine chronometer – công nghệ đỉnh cao trong cuộc “chạy đua vũ trang” giữa lượng hải quân của hai cường quốc.
Ferdinand Berthoud
Hai nhà chế tác tài năng nhất của Pháp thời bấy giờ là Pierre Le Roy và Berthoud. Le Roy đã phát minh ra cơ cấu bộ thoát cố định – yếu tố chính để điều chỉnh thời gian, và hệ cân bằng bù nhiệt (bảo vệ cỗ máy khỏi tác động của nhiệt độ môi trường), đóng góp đáng kể cho cỗ máy marine chronometer. Nhưng Berthoud mới là bậc thầy chế tác vinh dự phục vụ Đức vua và hải quân sau khi đồng hồ của ông được chính thức sử dụng ngoài khơi.
Ngoài ra, Jean-Antoine Lépine cũng được đánh giá là một trong vài đại diện Pháp nổi bật nhất, có ảnh hưởng lớn đến ngành thiết kế của đồng hồ ngày nay. Thay vì theo đuổi phong cách cổ điển, ông đã sử dụng một tấm khung dẫn các cầu nối với hệ bánh răng cùng bộ thoát trục tinh gọn, giúp chiếc đồng hồ quả quýt trở nên mỏng và thanh lịch hơn.
Breguet #5 Repeating 1794 có mặt số họa tiết guilloche, lịch mặt trăng, mặt phụ cho kim giây
Đồng hồ quả quýt Tactile Watch 1800 có mặt hiển thị có thể dùng ngón tay đọc số
Đồng hồ Grand Sonnerie 1808 điểm chuông mỗi giờ, viền tráng men họa tiết Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhắc đến đồng hồ Pháp, không thể bỏ qua nhà chế tác vĩ đại Breguet.
Không thể bỏ qua Breguet, một trong những nhà chế tác vĩ đại nhất với nhiều phát minh đỉnh cao. Song chính ông cũng phải công nhận tầm quan trọng của thân vỏ bên cạnh các khía cạnh kỹ thuật. Breguet sẵn sàng vay mượn thiết kế của Lépine, kết hợp với mặt đồng hồ khổ lớn họa tiết guilloche, mang lại vẻ thanh lịch đầy chất Pháp. Thương hiệu Breguet không chỉ tồn tại sau cuộc Cách mạng Pháp, mà còn phát triển vượt bậc qua thời Napoléon nhờ những dấu ấn đặc biệt.
Điều gì đã khiến một cường quốc văn hóa và công nghệ đánh mất vị thế?
Từ khi vua Louis XIV thu hồi sắc lệnh Nantes cho phép người dân Pháp theo đạo Tin Lành được tự do tín ngưỡng, Geneva đã trở thành miền đất hứa cho những người Pháp tha hương, trong đó có nhiều nghệ nhân. Vào thế kỉ 19, Thụy Sĩ đã nắm vững kỹ thuật sản xuất đồng hồ hàng loạt mà người Pháp bỏ qua. Ở thời đỉnh cao, Breguet từng chiêu mộ các nghệ nhân đồng hồ Thụy Sĩ làm việc tại Paris. Đến năm 1840, người cháu Louis-Clément Breguet lên nắm quyền điều hành công ty đã nhập khẩu các cỗ máy sản xuất hàng loạt tại Thụy Sĩ để sử dụng cho đồng hồ của hãng.
Khi phát triển năng lực chế tạo trong ngành vi cơ học, người Thụy Sĩ còn tạo ra được những tuyệt phẩm đòi hỏi kỹ thuật chế tác phức tạp. Louis Leroy’s Leroy 01, chiếc đồng hồ phức tạp nhất trong hàng thập kỉ qua, niềm tự hào của ngành đồng hồ Pháp cuối thế kỉ 19, lại được chế tạo chủ yếu ở Vallée de Joux, Thụy Sĩ.
Abraham-Louis Breguet và Edmond Jaeger đều đánh giá cao vẻ đẹp thiết kế.
Edmond Jaeger
Nhường ngôi thống trị về kĩ thuật chế tác cho Thụy Sĩ, song người Pháp hiểu rằng đồng hồ với thiết kế đẹp vẫn có nhiều giá trị xuất khẩu. Edmond Jaeger, người xây dựng nên một đế chế đồng hồ hùng mạnh ở Paris vào buổi khởi nguyên của đồng hồ đeo tay, đã chứng minh rằng đồng hồ đặc trưng Pháp không hẳn phải sử dụng cỗ máy do Pháp chế tạo.
“Edmond Jaeger chính là người kết nối”, Stéphane Belmont, giám đốc Phòng Di sản và Lưu trữ Bảo vật tại Jaeger-LeCoultre, cho hay. “Thành tựu vĩ đại nhất của ông là mang đồng hồ Thụy Sĩ đến với các nhà kim hoàn Pháp”. Jaeger có tầm ảnh hưởng đáng kể ở Pháp khi giới thiệu những cỗ máy siêu mỏng đến các nhà kim hoàn như Louis Cartier, để tạo ra những mẫu đồng hồ có giá trị sưu tập, bao gồm chiếc Santos de Cartier và Tank. Có thể thấy các tác phẩm đương đại của Cartier, Chanel, và Van Cleef & Arpels ngày nay tiếp tục thể hiện nét thanh lịch và vẻ đẹp khiến giới mộ điệu say đắm.