Ngày đầu tiên của Hội nghị lần thứ 29, các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), các quốc gia đã đạt được bước khởi đầu quan trọng khi thống nhất về tiêu chuẩn tạo tín chỉ carbon theo Điều 6.4 của Thỏa thuận Paris.
Điều này hứa hẹn thúc đẩy nhu cầu tín chỉ carbon và bảo đảm thị trường carbon quốc tế hoạt động minh bạch, dưới sự giám sát của Liên hợp quốc.
Theo Hiệp hội Giao dịch phát thải quốc tế, thị trường do Liên hợp quốc hậu thuẫn có thể đạt tổng giá trị giao dịch 250 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 và cắt giảm 5 tỷ tấn carbon mỗi năm.
Thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những lĩnh vực giao dịch sôi động nhất. Tín chỉ carbon không chỉ được xem như một loại hàng hóa mà còn là công cụ thiết yếu để thực hiện cam kết giảm phát thải toàn cầu.
Trong đó, thị trường tự nguyện là nơi các tổ chức, công ty, hoặc quốc gia thực hiện các giao dịch tín chỉ carbon thông qua thỏa thuận song phương hoặc sàn giao dịch. Người mua tín chỉ nhằm đáp ứng mục tiêu giảm phát thải carbon, tiến tới Net Zero - mục tiêu mà họ tự công bố để minh bạch hóa nỗ lực giảm dấu chân carbon.
Còn thị trường bắt buộc là nơi giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon để doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp luật về giảm phát thải. Hiện 48 quốc gia đã thành lập thị trường carbon bắt buộc, điển hình là các chính sách thuế carbon - một biện pháp kinh tế hiệu quả nhằm thúc đẩy các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm tài chính cho lượng khí nhà kính mà họ phát thải.
Giá tín chỉ carbon dao động từ 1-2 USD/tín chỉ cho đến gần 200 USD/tín chỉ, tùy vào loại hình dự án tạo ra tín chỉ carbon, tiêu chuẩn áp dụng hay các lợi ích đi kèm và địa điểm giao dịch.
Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia triển vọng nhất về tín chỉ carbon. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, mỗi năm nước ta có thể bán vài chục triệu tấn CO2 nếu tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường cũng như đóng góp cho việc cam kết NetZero vào năm 2050.
Bộ NN-PTNT đang gấp rút hoàn thiện tiêu chuẩn về tín chỉ carbon rừng. Mục tiêu là xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, tạo điều kiện thu hút đầu tư và vận hành hiệu quả thị trường tín chỉ carbon trong nước. Điều này không chỉ góp phần giảm phát thải mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững cho nền kinh tế lâm nghiệp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì và trình Chính phủ lộ trình, với mục tiêu đến 2028 sẽ vận hành được sàn giao dịch tín chỉ carbon toàn quốc. Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, có 5 đầu mục, giải pháp cần thực hiện để tham gia vào thị trường tín chỉ carbon.
Thứ nhất, nâng cao và thống nhất nhận thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tiến tới vận hành cơ chế tín chỉ carbon trong cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng những người sống cạnh rừng.
Thứ hai, vai trò vận hành của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách. Trong đó, có việc vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon quốc gia, có cơ chế chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước, sự quan tâm của xã hội trong việc giảm phát thải khí nhà kính.
Thứ ba, ngay từ bây giờ phải nghĩ tới cơ chế tư vấn và giám sát độc lập, nếu dựa vào Nhà nước là không thành công. Tư vấn đo đếm, giám sát phát thải tới từng doanh nghiệp phải độc lập, phải phi Nhà nước. Đồng thời, phải ứng dụng công nghệ và xem công nghệ như một tiêu chí tạo niềm tin của chúng ta với quốc tế.
Thứ tư, cần có tổ chức điều phối quốc gia làm đầu mối, cụ thể là Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết nối với hệ thống các doanh nghiệp có phát thải hoặc hấp thụ nhiều carbon, tạo thành Working Group để xây dựng nguồn lực, tổ chức dữ liệu, giám sát và tuyên truyền thực hiện.
Thứ năm, thị trường quốc tế rất quan trọng. Chúng ta không thể làm một mình, phải coi trọng các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế để vận hành và áp dụng sao cho phù hợp.
Riêng về tín chỉ carbon rừng, ông Hà Công Tuấn đề nghị các bộ: NN-PTNT, Tài Nguyên và Môi trường, Tài chính cần phối hợp trình Chính phủ, sớm đưa ra quyết định để triển khai cơ chế tín chỉ carbon tự nguyện, đặc biệt tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên môi trường, cho rằng, chúng ta đang bị chậm do điểm nghẽn lớn nằm ở chính sách và thiếu khung pháp lý rõ ràng.
Để thị trường tín chỉ carbon vận hành hiệu quả và tiến ra quốc tế, theo ông Thọ, cần có quy trình công nhận rõ ràng. Trước mắt, phát triển thị trường tín chỉ carbon nội địa vẫn là hướng đi khả thi. Các doanh nghiệp có thể đầu tư vào công nghệ để vừa giảm phát thải, vừa tạo nguồn lực tài chính bổ sung, thúc đẩy nông nghiệp bền vững và phát triển xanh.
Ông Thọ nhấn mạnh, Việt Nam đã có kinh nghiệm qua hai chương trình phát triển lâm nghiệp quốc gia, đủ năng lực và đội ngũ để tiếp tục triển khai các vấn đề liên quan đến tín chỉ carbon. Tuy nhiên, việc giám sát thị trường tín chỉ carbon cần sự quản lý chặt chẽ từ Nhà nước để tránh trùng lặp giao dịch. Vai trò của Nhà nước là rất quan trọng trong việc xây dựng niềm tin và đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường này.