Cửa hàng KFC đầu tiên xuất hiện ở Nhật Bản vào năm 1970. Quản lý cửa hàng lúc đó là ông Takeshi Okawara, luôn đau đầu với việc tăng doanh số. Các vị khách không hiểu nổi cửa hàng với hai tông màu đỏ trắng và những tấm biển tiếng Anh này viết cái gì thế, liệu nó bán kẹo hay là… tiệm làm tóc? Mặt khác, thời điểm ấy cửa hàng trưởng Okawara cũng rất nghèo, phải lót 4 bao tải để ngủ phía sau cửa hàng.
Thế rồi cửa hàng KFC cũng trụ qua mùa đông. Đây cũng không phải dịp gì đặc biệt vì người Nhật thập niên 70 chưa ăn mừng Giáng sinh rầm rộ (tỷ lệ theo đạo Chúa chỉ chiếm 2% dân số).
Tuy nhiên, có một nữ tu sĩ ngỏ lời với Okawara rằng ông có thể ghé qua góp vui nếu Nhà thờ đặt gà rán hay không. Cửa hàng trưởng liền đồng ý và đã xuất hiện trong trang phục Ông già Noel, nhảy múa với các cháu thiếu nhi đang chìm đắm trong các hộp gà rán giòn tan.
Bữa tiệc Giáng sinh vô cùng thành công, ít lâu sau, có một nhà trẻ khác đề nghị cửa hàng KFC tổ chức tiệc cho họ. Okawara liền quyết định “chơi lớn”, đặt luôn một bức tượng Đại tá Sanders mặc áo khoác đỏ bên ngoài cửa hàng. Kế đó bắt đầu chiến dịch marketing nói rằng gà rán chính là món ăn đại diện thay thế cho món gà tây Mỹ truyền thống, vốn được ăn vào Giáng sinh.
Tinh thần lễ hội của KFC lan truyền nhanh chóng. Ngay sau đó, đài truyền hình quốc gia NHK đến phỏng vấn: Ồ liệu gà rán là món ăn phổ biến cho dịp Noel ở phương Tây đấy phỏng?
Sau này, Okawara kể lại với Business Insider rằng ông đã nói dối. “Tôi biết rằng mọi người không ăn gà, họ ăn gà tây (turkey). Nhưng tôi vẫn nói 'phải đấy'. Đến giờ tôi vẫn hối hận vì điều ấy. Nhưng mọi người… đều thích ý tưởng đó mà”.
Bất chấp câu chuyện thú vị của Okawara, hiện nay KFC Nhật Bản đã phủ nhận thông tin trên. Theo công ty mẹ Yum Brands cho biết, có 1 vị khách nước ngoài đã đề nghị KFC bán gà rán vào dịp Giáng sinh thay cho món gà tây truyền thống. Câu chuyện này nghe có vẻ “an toàn” hơn nhưng lại chẳng mấy ai nhớ tới.
Dù sao, trí nhớ của Okawara từ chỗ chiến lược marketing gắn liền KFC với ngày lễ Giáng sinh là vô cùng chính xác. Nhờ bước ngoặt này, cửa hàng KFC từ suýt phá sản đã vươn lên thành công vang dội, tạo ra một thói quen mới của người tiêu dùng.
Chỉ 4 năm sau, chiến lược marketing về Giáng sinh của KFC đã lan ra cả Nhật Bản, cửa hàng trưởng Okawara được thăng lên làm Giám đốc toàn quốc. Thập niên 70-80 cũng là lúc làn sóng phương Tây rất được đón nhận ở Nhật.
Trải qua 49 năm, Giáng sinh giờ đã là một ngày lễ toàn cầu, được người dân khắp nơi trên thế giới đón mừng. Nhưng với người Nhật Bản, họ vẫn “săn lùng”, đặt hàng trước món gà rán vài tuần. Câu nói "Kurisumasu ni wa kentakkii!" (For Christmas it's Kentucky/ Giáng sinh là ăn gà KFC) cũng vang lên trong nhà ngoài ngõ. Đối với KFC Nhật Bản, riêng doanh số tháng 12 thường chiếm tới 20% doanh số cả năm.