Cơ quan điều tra có thể chuyển từ tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn…” sang tội “Nhận hối lộ”, đồng thời truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đưa hối lộ.
* Nên truy trách nhiệm cả những người đưa tiền
Cơ quan ANĐT - Bộ Công an vừa kết thúc điều tra vụ án “Lạm dụng chức vụ quyền hạn, trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại TP Hòa Bình, liên quan tới việc gian lận điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018.
Đồng thời, đề nghị truy tố 3 bị can: Nguyễn Quang Vinh - Trưởng phòng khảo thí; Đỗ Mạnh Tuấn (SN 1979) - Phó hiệu trưởng THPT-THCS huyện Lạc Thủy và Nguyễn Khắc Tuấn (SN 1981) - chuyên viên Phòng khảo thí. Theo cơ quan điều tra, bị can Đỗ Mạnh Tuấn khai đã hưởng lợi bất chính 550 triệu đồng để sửa chữa 140 bài thi trắc nghiệm của 56 thí sinh.
Chuyển tội danh để xử lý hành vi đưa hối lộ
Trao đổi với Tiền Phong về vụ án, luật sư Nguyễn Mạnh Thuật - Giám đốc Công ty luật hợp danh Đông Nam Á cho biết, kết luận điều tra cho thấy có sự thay đổi về hành vi và tính chất mức độ. Cụ thể, trước đây cơ quan điều tra chưa biết Đỗ Mạnh Tuấn nhận 550 triệu từ một số đối tượng khác mà chỉ nghi rằng Tuấn thực hiện hành vi vì lợi ích, động cơ cá nhân khác.
Kết luận điều tra đã xác định được số tiền Tuấn được hưởng, do đó cần làm rõ ai là người đưa tiền.
Người đưa tiền có yêu cầu Đỗ Mạnh Tuấn làm gì để xác định rõ động cơ, mục đích, hành vi phạm tội của các bị can và người liên quan. Từ đó, có thể xác định hành vi của Đỗ Mạnh Tuấn và đồng phạm thoả mãn các yếu tố cấu thành của tội “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ”, tại Điều 364 và Điều 354 - Bộ luật Hình sự.
“Việc chuyển tội danh theo kết luận điều tra sang tội “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” là phù hợp các quy định pháp luật để truy tố đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, cần xem xét hành vi, trách nhiệm hình sự của những người đưa hối lộ (người đưa tiền cho Đỗ Mạnh Tuấn)”, luật sư Nguyễn Mạnh Thuật nói.
Theo luật sư Thuật, điểm a, khoản 1, Điều 364 Bộ luật Hình sự nêu về hành vi đưa hối lộ: Hành vi đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ (trong vụ án này là yêu cầu sửa bài thi nâng điểm).
Như vậy, có thể khẳng định hành vi đưa tiền cho Đỗ Mạnh Tuấn để bị can Tuấn can thiệp, sửa chữa, nâng điểm cho các thí sinh là hành vi “đưa hối lộ”.
Bị can Nguyễn Quang Vinh (đeo kính) và hai đồng phạm Ảnh: Cơ quan công an
Chủ mưu sẽ nhận mức án nào?
Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật nêu quan điểm, với số tiền 550 triệu đồng Tuấn đã nhận thì các đối tượng đã phải đưa Tuấn hơn 2 triệu đồng trên một trường hợp yêu cầu nâng điểm (chưa tính các lợi ích phi vật chất khác). Hành vi đưa tiền này đã thoả mãn hành vi “đưa hối lộ” và cần phải điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 264 - Bộ luật Hình sự quy định, người đưa hối lộ (từ 2 triệu đến dưới 100 triệu đồng) có thể bị bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, thì bị phạt tù từ 7-12 năm (khoản 3). Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12-20 năm.
Cũng theo luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, theo kết luận điều tra, bị can Nguyễn Quang Vinh là chủ mưu, cầm đầu trong vụ án và quá trình điều tra bị can Vinh không thành khẩn khai báo.
Nếu cơ quan chức năng vẫn giữ tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, thì bị can Nguyễn Quang Vinh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a (tình tiết định khung tăng nặng phạm tội “có tổ chức”) với mức phạt tù từ 5-10 năm.
Nếu cơ quan chức năng thay đổi sang tội “Nhận hối lộ” đối với bị can Vinh và đồng phạm (căn cứ vào mức tiền nhận 550 triệu đồng) có thể bị phạt tù từ 15-20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1-5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật nêu quan điểm, với số tiền 550 triệu đồng Tuấn đã nhận thì các đối tượng đã phải đưa Tuấn hơn 2 triệu đồng trên một trường hợp yêu cầu nâng điểm (chưa tính các lợi ích phi vật chất khác). Hành vi đưa tiền này đã thoả mãn hành vi “đưa hối lộ” và cần phải điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự.