Chia sẻ về thực trạng đáng buồn này, Luật sư Phạm Văn Học – Chủ tịch HĐQT BVĐK Hùng Vương, Phú Thọ cho rằng:
Có bảy nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên. Thứ nhất: Bệnh viện (BV) là nơi dễ bị hiểu lầm, một bệnh nhân đến cấp cứu, người nhà bị mời ra ngoài để nhân viên y tế có không gian độc lập thao tác chuyên môn. Thành công thì không sao, khi thất bại, bệnh nhân nặng lên hoặc tử vong nhiều trường hợp người nhà nghi ngờ cho rằng bác sĩ không cấp cứu hoặc cấp cứu không nhiệt tình, không đúng cách…, từ đó dẫn đến xung đột, ẩu đả… Thứ hai: BV là nơi rất nhiều áp lực, bệnh nhân/người thân luôn mong muốn được phục vụ, được an toàn nhưng nhiều khi bất khả kháng. VD: Nhiều bệnh nhân vào cùng một lúc, thiết bị, thuốc men, nhân lực có giới hạn không phải lúc nào, ở đâu cũng được trang bị đầy đủ giống nhau; Yêu cầu của người bệnh thì rất cao mà khả năng đáp ứng lại có giới hạn.
Thứ ba: Nhiều BV được thiết kế không khoa học, không hợp lý, không ngăn cách giữa các khu vực nhạy cảm dẫn đến khi có sự cố lực lượng an ninh rất dễ bị mất kiểm soát. Thứ tư: Một bộ phận nhân viên y tế còn thờ ơ, vô cảm, hách dịch, thiếu trách nhiệm thậm chí trục lợi người bệnh. Số này tuy nhỏ nhưng lại gây tâm lý xấu, khiến nhiều người bệnh luôn hoài nghi. Thứ năm: Nhiều bệnh nhân và người nhà lạm quyền, thiếu ý thức, thiếu tôn trọng nhân viên y tế, đòi hỏi quá mức, coi thường pháp luật, coi thường nhân viên y tế, cho rằng bệnh nhân là thượng đế còn nhân viên y tế chỉ là người phục vụ và phải phục vụ vô điều kiện, kể cả khi bị xúc phạm, tấn công, làm nhục. Trong khí đó hầu hết các BV, việc đầu tư cho công tác an ninh thường bị xem nhẹ, lực lượng bảo vệ yếu, chắp vá, thiếu chuyên nghiệp, không có công cụ hỗ trợ…
Thứ sáu: Các vụ việc khi xảy ra hoặc là các nhân viên y tế dĩ hòa vi quý vì sợ mang tiếng, sợ mất khách; Một số vụ được báo cáo, chuyển cơ quan công an thì xử lý thiếu nghiêm túc, hoặc xử lý mỗi nơi một kiểu, VD như vụ việc ở Đà Nẵng hoặc một số địa phương khác mà báo chí đã lên tiếng trong thời gian gần đây. Thứ bảy: Không có hành lang pháp lý: Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có bất cứ một văn bản luật, dưới luật nào quy định về an ninh tại các cơ sở y tế, nếu so sánh môi trường làm việc tại các cảng hàng không và tại các BV, chúng ta thấy có sự khác biệt rất lớn. Cụ thể, đều là nơi tập trung đông người và cũng là nơi cần an toàn tuyệt đối giống nhau nhưng tại các cảng hàng không (sân bay) môi trường làm việc nghiêm túc, trật tự, ngăn nắp bao nhiêu thì ngược lại tại các BV lại lộn xộn, bát nháo, nhếch nhác bấy nhiêu.
Theo Luật sư Phạm Văn Học: “Điểm khác biệt căn bản và lý do xảy ra hiện tượng đó là vì ở sân bay mọi hành vi của nhân viên và khách hàng được điều chỉnh bằng Nghị định số 92 ngày 13/10/1995 của Chính phủ, ngược lại tại BV đến nay không có bất cứ một văn bản luật hoặc Nghị định nào điều chỉnh công tác an ninh, nhân viên y tế và khách hàng/bệnh nhân đều “tự xử”. Ai muốn làm gì, nói gì, ai muốn ra/vào BV, ai muốn mang dao, búa, súng ống vào BV … đều tùy nghi. Đây là lỗ hổng “chết người” và là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất kiểm soát như hiện nay.
Thực trạng nêu trên phản ánh y đức xuống cấp hay đạo đức xã hội xuống cấp? Tình trạng đáng buồn này có xảy ra ở các BV tư nhân không, thưa luật sư?
Chúng ta phải thừa nhận cả y đức lẫn đạo đức xã hội hiện nay đều xuống cấp, đó là một thực tế nhưng không phổ biến. Thực tế, các vụ việc mất an ninh, bạo hành xảy ra ở các cơ sở khám chữa bệnh không phổ biến và do nhiều nguyên nhân như đã nêu ở trên. Y đức có lúc, có nơi là nguyên nhân nhưng rất ít, chủ yếu là do hiểu lầm, do hạ tầng và do thiếu các quy chuẩn đạo đức và luật pháp.
Tại các cơ sở y tế tư nhân tình trạng bạo hành y tế vẫn có nhưng không nhiều. Thứ nhất: Ở các BV tư nhân nói chung và BVĐK Hùng Vương chúng tôi nói riêng, đội ngũ y bác sĩ có cuộc sống, thu nhập ổn định, vì thế họ toàn tâm toàn ý cống hiến cho BV. Họ được giáo dục, trang bị và họ hiểu đâu là lợi nhuận, đâu là lợi ích; Họ biết người bệnh cần gì, muốn gì; Họ hiểu phải làm gì và không được làm gì.
Gần đây, cơ quan thông tấn báo chí phản ánh tại một BV lớn ở Hà Nội, bác sĩ bị nợ lương đến sáu tháng; Nhiều người chỉ có thu nhập gần ba triệu đồng/tháng; Có bác sĩ ngoài giờ làm phải đi bán rau, bán hàng online… Thử hỏi, khi cuộc sống bấp bênh như vậy thì làm sao bác sĩ toàn tâm toàn ý, làm tốt chuyên môn, phục vụ tốt bệnh nhân được; Hay nói cách khác, làm sao họ có thể nêu cao y đức khi dạ dày trống rỗng. Ở BV tư nhân do áp dụng Luật Doanh nghiệp, các nhà đầu tư tự hạch toán, tự lựa chọn dịch vụ nên đời sống người lao động luôn ổn định từ đó họ làm việc an toàn hiệu quả hơn và ít xảy ra xung đột với khách hàng hơn!
Thứ hai: Vận hành theo cơ chế tự chủ, tự quyết định nên tại các BV tư nhân, bệnh nhân/khách hàng được tôn trọng, được thỏa mãn các nhu cầu chính đáng của họ. Khi lợi ích giữa BV (chủ đầu tư), bệnh nhân/khách hàng và người lao động (y bác sĩ) hài hòa, hợp lý thì sẽ không xảy ra mâu thuẫn, xung đột cũng như không có bạo lực, hành hung… Thứ ba: Tại BVĐK Hùng Vương luôn có đội an ninh được tuyển dụng, đào tạo chuyên nghiệp, nhân viên bảo vệ và cả nhân viên y tế được học võ, được trang bị kiến thức công cụ hỗ trợ. BV có hệ thống camera an ninh, có báo động, có những kịch bản được xây dựng sẵn để đề phòng xử trí trong các tình huống xấu nên chúng tôi luôn tự chủ khi có bạo hành xảy ra. Thứ tư: BV luôn giữ gìn tốt mối quan hệ phối hợp với chính quyền và công an địa phương, vì thế các vụ việc dù nhỏ cũng được báo cáo và xử lý nghiêm túc, tạo ra môi trường an toàn, trong sạch khiến tất cả mọi người bao gồm cả nhân viên y tế và bệnh nhân/khách hàng khi đến BV đều phải nghiêm túc thực hiện, tuân thủ…
Theo luật sư, đâu là giải pháp giúp ngăn chặn tình trạng bạo hành y tế đang có chiều hướng gia tăng cũng như đảm bảo an ninh y tế, bảo vệ đội ngũ y bác sĩ, giúp họ yên tâm công tác?
Theo tôi, trước mắt chúng ta cần cân bằng lợi ích/tôn trọng bệnh nhân/khách hàng. Không xung đột lợi ích, không mâu thuẫn thì không căng thẳng và không xảy ra bạo lực. Muốn vậy, trước hết nhân viên y tế phải có cuộc sống và thu nhập ổn định; Các BV, Ban lãnh đạo phải quan tâm đến công tác an ninh, đầu tư, trang bị lực lượng và công cụ phù hợp, hiện đại…
Về căn cơ, lâu dài: Nhà nước phải xây dựng và ban hành Luật An ninh y tế, trong đó quy định:
- Nguyên tắc/chuẩn mực ứng xử tại cơ sở y tế;
- Địa vị pháp lý/quyền nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia các mối quan hệ trong môi trường y tế (nhân viên y tế/bệnh nhân/người nhà bệnh nhân);
- Những việc/hành vi được làm/phải làm/không được làm trong cơ sở y tế; Những người được vào và những người không được vào hoặc có thể bị trục xuất ra khỏi các cơ sở y tế. VD: Người không có nhiệm vụ, người trong trạng thái say xỉn, mất kiểm soát thì không được vào hoặc sẽ bị trục xuất ra khỏi cơ sở y tế;
- Những vật cấm không được mang vào cơ sở y tế.VD: Dao, búa, súng đạn, chất cháy, nổ… Để làm được việc này phải có quy định cho phép nhân viên an ninh được quyền giám sát trực quan đối với các phương tiện (cốp xe) hoặc tư trang (va ly, túi xách…) của người ra/vào BV;
- Những biện pháp đảm bảo an ninh y tế như: Cho phép nhân viên an ninh BV được quyền giám sát, quản lý người ra vào BV, phân khu, phân quyền (khu vực cấm, khu vực hạn chế…).
- Những biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng khi có tình huống xấu xảy ra.
Tóm lại, ngành tế cần có ít nhất một Nghị định quy định chi tiết các quy tắc ứng xử của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh tại các cơ sở y tế, quy định các chế tài để xử lý với các hành vi vi phạm. Phải có luật thì mới chấn chỉnh được hành vi và từ đó mới tạo ra được môi trường an toàn nghiêm túc tại các cơ sở y tế.
Ngành tế cần có ít nhất một Nghị định quy định chi tiết các quy tắc ứng xử của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh tại các cơ sở y tế, quy định các chế tài để xử lý với các hành vi vi phạm.