"Trong số các doanh nghiệp Hàn Quốc tiến vào thị trường ASEAN, có hơn một nửa các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam", Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (Korcham) Kim Jung-in chia sẻ tại sự kiện "Korea Night" do Đại sứ quán nước này tổ chức tối qua nhân dịp Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực ASEAN (WEF ASEAN) đang diễn ra tại Hà Nội.
Ông Kim cho rằng việc Việt Nam vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Hàn Quốc không phải điều đáng ngạc nhiên.
"Tôi, với tư cách là giám đốc của công ty ô tô Hyundai, đã đặt bước chân đầu tiên tới Việt Nam vào năm 1999. Trong 20 năm sống tại nơi này, tôi đã chứng kiến tận mắt sự phát triển trong quan hệ hợp tác Hàn - Việt", Chủ tịch Korcham chia sẻ.
Ông Kim cũng cho rằng, có được thành công trong hợp tác kinh tế giữa hai nước như ngày hôm nay là nhờ 3 yếu tố.
Yếu tố đầu tiên là sự lãnh đạo quyết liệt và nhất quán của chính phủ Việt Nam.
"Chính phủ Việt Nam đã thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và viện trợ tích cực không lay chuyển từ sau công cuộc Đổi Mới. Chính sách nhất quán này giúp nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã có thể tin tưởng đầu tư tại đây", ông Kim nói.
Việt Nam còn là một quốc gia trung tâm trong việc ký kết các hiệp định thương mại tự do của khu vực ASEAN.
Yếu tố thứ 2 là sự đồng cảm về văn hoá và tình cảm đặc biệt tồn tại giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Với khát khao mãnh liệt phát triển đất nước có từ lịch sử bị xâm lược bởi thế lực bên ngoài và quá trình khắc phục khó khăn đó, với sự tương đồng về văn hoá, tôn trọng tình bạn và sự tin cậy lẫn nhau, doanh nghiệp và nhân dân hai nước đã có thể khắc phục nhiều trở ngại và cùng nhau hợp tác.
Yếu tố thứ 3 là nhờ các doanh nhân của hai nước. Chính tinh thần doanh nhân trong suốt 25 năm qua là động lực lớn nhất để hợp tác kinh tế giữa hai nước phát triển rực rỡ.
"Thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với cơ hội và nguy cơ đan xen đã đến. Đã đến lúc hai nước chúng ta phải chuẩn bị cho "hợp tác Hàn Việt 2.0" sao cho phù hợp với bối cảnh này", ông Kim nhấn mạnh.
Tại sự kiện, bà Kang Kyung-Wha - Ngoại trưởng Hàn Quốc cũng chia sẻ thêm về chính sách hướng nam mới của Chính phủ Hàn Quốc.
Hàn Quốc đang vạch ra Chính sách Hướng Nam mới, nhằm đưa quan hệ đối tác Hàn Quốc - ASEAN lên một tầm cao mới về hoà bình và thịnh vượng chung, lấy con người làm trung tâm.
Theo Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha, 3 chữ P của chính sách này đại diện cho: People - Con người, Prosperity - Thịnh vượng, và Peace - Hoà bình.
"Trong chuyến thăm cấp Nhà nước vào tháng 3 năm nay, Tổng thống Moon Jae-in đã quay lại Việt Nam và gặp các lãnh đạo để tra đổi những phương án cụ thể mà chính sách hướng nam mới sẽ đồng hành với các ưu tiên quốc gia của Việt Nam. Nền tảng ở đây chính là con người", bà Kang nói.
Ngoại trưởng Kang cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam đã là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc trong khối ASEAN, điểm đến đầu tư được yêu thích nhất trong ASEAN, và là đất nước tiếp nhận số lượng khách du lịch Hàn Quốc nhiều nhất trong khối ASEAN.
Năm 2017, số khách du lịch Hàn Quốc thăm Việt Nam đạt 2, 4 triệu người, tăng 56,4% so với năm trước đó. Hàn Quốc cũng là nước rót nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thứ hai tại Việt Nam sau Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký cấp mới gần 4 tỷ USD, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.
Trước đó, tờ Yonhap News đăng tải báo cáo của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) cho hay, thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc dự kiến sẽ vượt ngưỡng 100 tỷ USD trong năm 2020.
Theo dự báo của KITA, Việt Nam sẽ vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Hàn Quốc vào năm 2020 nhờ việc thực hiện hiệp định thương mại tự do song phương.