Ngày pháp luật

Giải pháp thuế cho doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính: Chính sách hỗ trợ và thủ tục xin giãn nợ, giảm thuế

Anh Chi

Trước tình hình kinh tế khó khăn và gián đoạn chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp (DN) gặp phải vấn đề nghiêm trọng về tài chính, dẫn đến việc không thể thanh toán đầy đủ các khoản thuế đúng hạn. Vậy DN có thể xin giãn nợ thuế, giảm thuế hay miễn phạt chậm nộp thuế trong trường hợp này hay không? Cùng tìm hiểu những chính sách hỗ trợ thuế cho DN, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Chính sách và thủ tục hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính.
Chính sách và thủ tục hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính.

Tình huống pháp luật

Anh Hoàng Long (Tây Hồ, Hà Nội), đang là chủ một DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng, hiện DN của anh đang gặp khó khăn tài chính do ảnh hưởng của tình hình kinh tế và gián đoạn chuỗi cung ứng. Doanh thu giảm mạnh, khiến DN không thể thanh toán đầy đủ các khoản thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho nhân viên đúng hạn. Điều này khiến anh Long vô cùng lo lắng, về việc bị xử phạt vì chậm nộp thuế và những vấn đề tài chính phát sinh, do không thể hoàn thành nghĩa vụ thuế đúng hạn. 

Luật sư tư vấn

Với trường hợp trên, Luât sư Trần Văn Điệp - Giám đốc Công ty Luật Minh Anh (Hà Nội) tư vấn như sau:

Luât sư Trần Văn Điệp - Giám đốc Công ty Luật Minh Anh (Hà Nội).
Luât sư Trần Văn Điệp - Giám đốc Công ty Luật Minh Anh (Hà Nội).

Về các vấn đề mà DN của anh Long đang gặp phải liên quan đến thuế, trong bối cảnh kinh tế khó khăn và gián đoạn chuỗi cung ứng, thì DN có thể áp dụng các chính sách giãn thuế hoặc giảm thuế sau:

Một là, theo Mục 8 Nghị quyết 174/2024/QH15, Quốc hội đã đồng ý với phương án tiếp tục giảm 2% thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 30/06/2025.

Theo điểm a mục 1.1. khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 43 nêu trên thì đối tượng được giảm thuế gồm: áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Hai là, theo Nghị quyết số 60/2024/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 31/12/2025 như sau: Xăng, trừ etanol 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg; dầu hỏa 600 đồng/lít.

Ba là, vào ngày 11/03/2025 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm 30% tiền thuê đất năm 2024, cùng với đó Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2025.

DN có thể xin giãn nợ thuế và yêu cầu giảm thuế TNDN trong trường hợp thua lỗ không? Nếu có thì thủ tục và điều kiện xin giãn thuế như thế nào?

DN có thể xin gia hạn thời gian nộp thuế và giảm thuế TNDN trong một số trường hợp sau:

1. Gia hạn nộp thuế

Theo Điều 62 Luật Quản lý thuế 2019 về gia hạn nộp thuế quy định:

(1) Việc gia hạn nộp thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp trường hợp bất khả kháng quy định tại khoản 27 Điều 3 của Luật này; 

b) Phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh.

(2) Người nộp thuế thuộc trường hợp được gia hạn nộp thuế quy định tại khoản 1 Điều này được gia hạn nộp thuế một phần hoặc toàn bộ tiền thuế phải nộp.

(3) Thời gian gia hạn nộp thuế được quy định như sau:

a) Không quá 02 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; 

b) Không quá 01 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 27 Điều 3 Luật Quản lý thuế 2019, trường hợp bất khả kháng bao gồm: Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ; Các trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, việc gia hạn nộp thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(1) Bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp trường hợp bất khả kháng quy định tại khoản 27 Điều 3 của Luật này;

(2) Phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh.

Đối chiếu với thông tin mà khách hàng cung cấp: công ty đề nghị gia hạn nộp thuế thu nhập DN do “lâm vào hoàn cảnh khó khăn”.

Như vậy, trong trường hợp này để được gia hạn nộp thuế thu nhập DN thì công ty phải có trách nhiệm chứng minh tình trạng “khó khăn” của công ty thuộc trường hợp (1) hoặc (2).

2. Giảm thuế TNDN khi thua lỗ

Theo quy định tại Luật Thuế TNDN, DN không được miễn, giảm thuế TNDN chỉ vì lý do thua lỗ. Tuy nhiên, DN có thể kết chuyển lỗ sang các năm tiếp theo để bù trừ vào thu nhập chịu thuế, giúp giảm số thuế phải nộp trong tương lai. Thời gian kết chuyển lỗ tối đa là 5 năm liên tục kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ. (Khoản 2 Điều 9 Thông tư 78/2014/TT-BTC.) 

Nếu trong trường hợp công ty không chứng mình được thì sẽ không cơ sở để được gia hạn nộp thuế TNDN theo quy định.

Trong trường hợp không thể thanh toán thuế đúng hạn, DN có thể xin miễn phạt chậm nộp thuế và áp dụng các chính sách hỗ trợ thuế nào?

Trong trường hợp DN không thể thanh toán thuế đúng hạn, có thể xem xét xin miễn phạt chậm nộp thuế và áp dụng các chính sách hỗ trợ thuế theo quy định của pháp luật hiện hành. Một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp có thể áp dụng bao gồm:  

Miễn phạt chậm nộp thuế: Nếu DN rơi vào các trường hợp được xem xét miễn phạt chậm nộp thuế (ví dụ: do lỗi của cơ quan thuế, gặp khó khăn khách quan), có thể làm đơn đề nghị cơ quan thuế xem xét miễn phạt. (khoản 8 Điều 59 và khoản 27 Điều 3 Luật Quản lý thuế 2019, và quy định tại Điều 43, Nghị định 125/2020/NĐ-CP)

Khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp: Nếu DN mất khả năng thanh toán do giải thể, phá sản hoặc gặp khó khăn đặc biệt theo quy định, có thể xin khoanh nợ hoặc xóa nợ thuế theo quy định tại Điều 83, 85 Luật Quản lý thuế năm 2019.

Tin Cùng Chuyên Mục