Ngày pháp luật

Giải “bài toán” đưa nông sản miền núi vào siêu thị

Nhật Thu

Sản phẩm dù đã đủ “chất” nhưng cũng chưa thể vào siêu thị do chưa đủ “lượng”, việc vận chuyển hàng hóa từ các vùng núi, vùng sâu, vùng xa đến các khu trung tâm còn gặp nhiều khó khăn… Đó là những vấn đề cần phải được giải quyết sớm trong việc mở đường để nông sản miền núi sớm tiếp cận được hệ thống phân phối hiện đại.

Sản phẩm đạt chất lượng

Hiện nay, nhiều hệ thống siêu thị đã chung tay, đưa nông sản đặc sản vùng núi đến người tiêu dùng như Saigon Co.op; Central Retail, Winmart, MM Market Aeon, BRG,… Hầu hết các hệ thống này đã tổ chức ưu tiên trưng bày và có các sự kiện kích cầu riêng cho sản phẩm đặc sản địa phương nói chung và sản phẩm của đồng bào vùng dân tộc thiểu số nói riêng, tạo hiệu quả rõ rệt. Nhiều sản phẩm của đồng bào dân tộc miền núi đã mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước.

Nhiều địa phương cũng đã trực tiếp làm việc với hệ thống siêu thị, thường xuyên kết nối với các hệ thống phân phối để tiêu thụ sản phẩm của người dân. Như tỉnh Sơn La thường xuyên phối hợp với Tập đoàn Central Retail tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đặc sản địa phương tại hệ thống siêu thị của Tập đoàn này. Hiện đã có 60 mặt hàng nông sản các loại của tỉnh Sơn La được bày bán thường xuyên trên kệ hàng của hệ thống 18 siêu thị GO!, Big C, Tops Market khu vực miền Bắc.

Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ và tần suất xuất hiện các sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hệ thống phân phối còn chưa cao.

Ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng, dù có nhiều chính sách ưu tiên phát triển sản xuất, thương mại miền núi nhưng do những khó khăn về địa bàn, sự phát triển chưa đồng đều nên việc kết nối giữa hàng hóa khu vực này với các hệ thống phân phối hiện đại còn gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, còn phải nhắc đến tính chất sản xuất đặc trưng của khu vực này. Hàng hóa khu vực này có những đặc trưng, đặc sản, chủ yếu là mặt hàng nông nghiệp, lâm sản, các mặt hàng gia vị, theo điều kiện địa lý khác nhau, khi “nhu cầu nhiều thì cung không đủ cấp”. Chưa kể, do tính chất của mùa vụ, mùa nào thức nấy đã khiến hệ thống chuỗi phân phối gặp khó khăn trong kết nối bền vững.

Ông Kiều Song Hào - Giám đốc Thu mua miền Bắc, MM Mega Market Việt Nam khẳng định, hiện các hợp tác xã (HTX), hộ nông dân của các các tỉnh, thành phố đang thực hiện tương đối tốt những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận Vietgap, GlobalGAP hay chỉ dẫn địa lý… Nhưng trở ngại lớn nhất với hệ thống siêu thị là các đơn vị, các tỉnh, thành thường chỉ tập trung một số nhóm sản phẩm, dẫn đến sản lượng nhiều nhưng mặt hàng không đa dạng. Hầu hết các siêu thị đều muốn bán thật nhiều sản phẩm vùng miền, với nhiều mặt hàng, mã hàng của nhiều tỉnh, thành chứ không phải chỉ 1 - 2 sản phẩm.

Chưa kể, siêu thị không thể nhập mấy chục tấn hoặc cả container trong một thời điểm được bởi tính chất của siêu thị là bán cho người tiêu dùng hàng ngày, nhập hàng về hàng ngày. Khi các HTX, địa phương chỉ tập trung sản xuất một nhóm sản phẩm, mặc dù sản phẩm tốt, chất lượng tốt, bao bì tốt, thì cũng khó tiêu thụ nhanh được.

Logistics là một trở ngại lớn

Theo ông Hào, các siêu thị đều muốn nhập nguồn hàng trực tiếp từ các HTX, hộ sản xuất nhưng siêu thị nhập hàng thì sẽ phải vận chuyển hàng từ Nam ra Bắc hoặc ngược lại. Trong khi đó, hiện nay HTX thì chưa thể vận chuyển được, công việc này vẫn do siêu thị đảm nhận. Tuy nhiên, mỗi lần vận chuyển thì phải có rất nhiều sản phẩm mới đủ một chuyến xe chạy từ Bắc vào Nam hoặc ngược lại. Đây chính là vấn đề gây ra nhiều khó khăn cho cả bên siêu thị và các HTX ở nhiều tỉnh, thành.

Do đó, để có thể tiếp sức cho sản phẩm vùng miền, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Tây Bắc vào hệ thống siêu thị, MM Mega đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó giải pháp đầu tiên là xây dựng kho trung chuyển. Hiện MM Mega đã có các kho trung chuyển ở Đà Lạt, Bình Dương. “Ở phía Bắc, MM Mega cũng đã triển khai các kho trung chuyển, nhưng mô hình sản phẩm phía Bắc không dồi dào như trong Nam, vì sản phẩm mang tính chất mùa vụ, nên các kho trung chuyển phía Bắc đã có nhưng hoạt động chưa được liên tục như phía Nam. Có thể lúc vào vụ thì rất nhiều, vận chuyển không hết, nhưng lúc hết vụ thì lại là “bài toán” cho MM Mega” - ông Hào chia sẻ.

Đáng chú ý, ông Hào cho biết, MM Mega đang có một dự án thành lập đơn vị trung chuyển ở khu vực Tây Bắc, có thể sẽ là ở Sơn La, để các sản phẩm ở Tây Bắc sẽ trực tiếp đi từ Bắc vào Nam thông qua kho trung chuyển của MM Mega. Qua đó, để gỡ cho các hộ nông dân, HTX khâu vận chuyển vì đấy là “bài toán” cực kỳ khó cho các đơn vị sản xuất. Họ là những đơn vị nhỏ lẻ, mà chi phí vận chuyển quá lớn thì không thể đáp ứng được tiêu chí sản phẩm như về an toàn thực phẩm.

Tin Cùng Chuyên Mục