Không thể đi theo con đường có dấu chân Facebook
Chỉ trong vài năm, thị trường nội dung số của Việt Nam đã đón nhận sự ra đời của hàng trăm mạng xã hội do các doanh nghiệp trong nước phát triển. Những cái tên lớn nhất được kể đến là Gapo, Lotus, Zalo, Hahalolo, Biztime...
Một chuyên gia, đồng thời là giám đốc một công ty nội dung số, nhận xét rằng dù hướng tới những nội dung khác nhau, nhưng những cái tên này đều có xu hướng phát triển theo diện phủ rộng. Dù chưa đăng ký giấy phép, nhưng với mô hình tương tự một mạng xã hội, Zalo có thể được xem là ông lớn trong ngành này của Việt Nam, với khoảng 60 triệu người dùng; trong khi Lotus và Gapo chính danh là mạng xã hội, ở vị trí của kẻ mới nổi, nhưng thị phần còn khiêm tốn.
Trước Lotus và Gapo, hai mạng xã hội Hahalolo và Biztime có màn ra mắt rầm rộ nhất, với những tuyên bố mục tiêu có phần không tưởng. Khi trình làng vào tháng 6/2019, Hahalolo tuyên bố cạnh tranh trực tiếp với Facebook, đạt 2 tỷ người dùng năm 2024 và lên sàn chứng khoán Mỹ năm 2025. Còn Biztime ra mắt tháng 8/2018 cũng với kỳ vọng thay thế Facebook trong tương lai. Tuy vậy, chỉ sau vài tháng, cả hai mạng xã hội gần như không còn được người dùng nhắc tới.
Với hai mạng xã hội Việt còn duy trì tương tác vào thời điểm này (Gapo và Lotus), vị chuyên gia trên cho rằng dù được phát triển bởi các công ty công nghệ, nhưng đều thiếu giá trị mới, giá trị đặc biệt để giữ chân người dùng (Lotus có cơ chế token - cho điểm - nhưng cũng chưa rõ về mối quan tâm của khách hàng).
Tổng giám đốc VCCorp từng khẳng định Lotus sẽ không đi vào thị trường ngách, mà sẽ đánh vào các nhu cầu lớn mà các mạng xã hội khác chưa đáp ứng tốt. Trong khi Gapo muốn có 50 triệu người dùng sau 2 năm. Như vậy, dù xét trên cả mục tiêu nội dung hay user, cả 2 cái tên này đều lựa chọn "bơi" trong chiếc bể rộng lớn của thị trường phổ thông, cạnh tranh trực tiếp với các ông lớn như Facebook, Instagram...
"Nếu như vậy, cửa sống cho họ là rất nhỏ", vị chuyên gia cho hay.
Ngoài những ông lớn, theo ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Viettel Media, Việt Nam vẫn có tới 400- 500 mạng xã hội nhỏ đi theo hướng ngách và thường gọi là các diễn đàn, như diễn đàn về bà mẹ, trẻ em, công nghệ, du lịch, giáo dục, giải trí… Vì là thị trường ngách, nên nếu làm tốt, họ vẫn tồn tại và phát triển được trong quy mô hiện có.
“Tất nhiên các mạng xã hội nhỏ này để phát triển theo chiến lược phủ rộng, đáp ứng cho nhu cầu của toàn xã hội như Faebook là không thể. Tóm lại chỉ đi theo thị trường ngách mới có thể tồn tại được”, ông Hải nêu quan điểm.
Kiếm tiền từ người dùng hay dùng tiền để kiếm user?
Kinh doanh trong lĩnh vực mạng xã hội chỉ có thể thực hiện được khi sở hữu được lượng người dùng lớn, từ đó kiếm tiền từ quảng cáo. Trong khi đó, nếu muốn có quảng cáo, các mạng xã hội phải đổ tiền vào để đẩy lượng người dùng lên khoảng 10 -20 triệu thì có doanh thu thực.
Theo nhìn nhận của Giám đốc Viettel Media, trong giai đoạn đầu phát triển, các công ty phải đổ tiền rất lớn vào marketing, quảng bá để hút user. Nếu sản phẩm không có điểm khác biệt, thì cứ phát triển được 10 người dùng mới sẽ có tới 6-7 người dùng cũ rời mạng. “Chỉ còn vài ba triệu user thì khó mà làm quảng cáo được”, ông Hải nói.
Hiện tại, với 60 triệu user, Zalo vẫn chưa thể tự nuôi sống được mình bằng quảng cáo. Bản chất của mạng xã hội thu hút người dùng là news feed (tương tự Facebook, Instagram), trong khi Zalo không đủ lượng tương tác để đẩy stream mới liên tục, nên lượng quảng cáo có thể đặt ra rất hạn chế. Hiện tại, vị trí chính xác nhất của Zalo chỉ có thể được xem là bệ đỡ bổ sung vào hệ sinh thái đang kiếm ra tiền khác của VNG, như game hay thanh toán trực tuyến (Zalo Pay)...
"Gapo thậm chí không thực sự khác biệt nên rất khó tồn tại, hơn nữa lại đang đứng riêng rẽ - tức không có hệ sinh thái hỗ trợ, trừ tiền. Và chính vì không có khác biệt, không có hệ sinh thái hỗ trợ nên chi phí phát triển user của Gapo rất lớn, khi hết tiền thì cũng dễ “đi”, vị chuyên gia nhìn nhận.