Báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2022 tăng 1% so với tháng trước, tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng là do giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới. Bên cạnh đó, giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần cũng là những yếu tố làm cho CPI tháng 2/2022 nhích nhẹ.
Báo cáo chỉ ra, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá và 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Trong 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 2,35% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu làm chỉ số giá nhiên liệu trong nước tăng 5,8% (làm CPI chung tăng tăng 0,21 điểm phần trăm).
Bên cạnh đó, giá vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 3,92% do một số đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai tăng giá phụ thu khi giá xăng dầu tăng và ảnh hưởng của dịch bệnh hạn chế chở số lượng khách.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,54% đã đẩy CPI chung tăng 0,52 điểm phần trăm. Trong đó, lương thực tăng 0,35% (tác động CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm); thực phẩm tăng 1,69% (tác động CPI chung tăng 0,36 điểm phần trăm).
Ở chiều ngược lại, có duy nhất nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%.
Không nằm trong rổ hàng hóa, chỉ số giá vàng tháng 2 tăng 1,85% so với tháng trước và giảm 1,53% so với cùng kỳ năm trước. Do nguồn cung đảm bảo, chỉ số giá đồng USD giảm 0,84% so với tháng trước và giảm 0,79% so với cùng kỳ năm trước.