Ngày pháp luật

Giá xăng dầu khiến CPI tăng 0,4%

Giang Phạm

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 giảm 0,19% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong 5 năm qua.

Theo Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 giảm 0,19% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 7 tháng năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,07% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng cục Thống kê cho biết nguyên nhân dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng nhẹ chủ yếu là do giá xăng dầu trong nước biến động tăng theo thế giới. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao trong thời gian nắng nóng kéo dài.

Có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số tăng. Trong đó, tăng mạnh nhất là nhóm giao thông, tăng 3,91% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào ngày 27/6. Với mức tăng này, nhóm giao thông đã tác động lớn giúp CPI chung tăng 0,37%. 

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,47%, chủ yếu do giá điện, nước sinh hoạt tăng vào thời điểm thời tiết nắng nóng. Do đây cũng là thời điểm học sinh, sinh viên bước vào kỳ nghỉ hè nên nhu cầu vui chơi tăng cao, từ đó giúp chỉ số nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,3%. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, nhóm thuốc và dịch vụ y tế, nhóm giáo dục đều tăng nhẹ.

Bên cạnh nhóm chỉ số tăng, có 2/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giảm, chủ yếu là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm bưu chính viễn thông.

Không nằm trong rổ hàng hoá tính CPI song, chỉ số giá vàng tháng 7 tăng 3,49% so với tháng trước. So với cuối năm 2019, giá vàng tăng 20,89% và tăng 28,57% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân giá vàng thế giới tăng 4,31% so với tháng 6, cao nhất trong 9 năm kể từ 2012. 

Chỉ số USD tháng 7 giảm 0,23% so với tháng trước, tăng 0,24% so với tháng 12/2019 và giảm 0,32% so với cùng kỳ. 

Tin Cùng Chuyên Mục