Năm 2022 được cho là một năm "nhảy múa" của giá vàng khi có những thời điểm, kim loại quý tăng vọt vượt mốc 2.000 USD/ounce, bỏ xa mốc đỉnh được thiết lập năm 2021 và rồi "lao dốc" phi mã hàng chục USD/ounce trong phiên.
Một năm "nhảy múa" của giá vàng
Nếu như tháng 11/2021, giá vàng thế giới tăng dữ dội lên đỉnh cao nhiều tháng khi đạt mốc 1.859 USD/ounce. Động thái trên diễn ra bất chấp đồng USD tăng vọt do giới đầu tư kỳ vọng vào Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ siết chặt chính sách tiền tệ khi lạm phát lên mức cao nhất 31 năm.
Bước sang năm 2022, vàng mới thực sự đối mặt với sức nóng từ việc thắt chặt chính sách tiền tề. Đồng bạc xanh mạnh lên và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt tạo đà gây áp lực lên giá kim loại quý.
Quý I/2022, giá kim loại quý liên tục thiết lập những mốc mới, vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce, 1.900 USD/ounce khi tâm lý tích cực chiếm ưu thế trên thị trường.
Giá vàng kéo dài đà tăng rồi chinh phục mức cao kỷ lục sau khi các nhà đầu tư đổ xô vào kim loại trú ẩn truyền thống do lo ngại cuộc khủng hoảng địa chính trị giữa Nga và Ukraine leo thang và việc Mỹ và Anh tuyên bố không nhập khẩu dầu từ Moscow.
Đỉnh điểm là vào ngày 8/3/2022, giá kim loại quý đã bật tăng lên mốc cao kỷ lục 2.073 USD/ounce. So với mức giá vào đầu năm 2022 là 1.800 USD/ounce, ở thời điểm đó, giá vàng thế giới đã tăng tổng cộng 250 USD/ounce.
"Sự kết hợp của giá năng lượng, ngũ cốc, kim loại cơ bản tăng cao đang gây ra sức ép lạm phát lớn. Đây tiếp tục là yếu tố nền tảng giúp giá vàng tăng cao", David Meger, Giám đốc Giao dịch kim loại quý tại High Ridge Futures nhận định
Sau khi chinh phục mốc 2.073 USD/ounce, thị trường vàng quốc tế có phần hạ nhiệt.
Việc giá vàng thế giới tăng kỷ lục lên mức 2.073 USD/ounce đã kéo giá vàng miếng SJC ở thị trường trong nước cũng thiết lập mức đỉnh 74 triệu đồng/lượng - cao nhất mọi thời đại.
Tuy nhiên, đà tăng giá vàng thế giới không giữ được lâu khi giới đầu tư bán tháo để chốt lời, qua đó khiến giá vàng "bốc hơi" gần 50 USD chỉ trong một phiên, đẩy kim loại quý về mốc 1.960 USD/ounce.
Đà đi xuống của giá vàng chưa dừng lại khi nhà đầu tư bán vàng, chuyển sang mua USD cùng tâm lý ngừa rủi ro dâng cao. Bên cạnh đó, với những quyết định tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đưa ra đã tạo áp lực lớn lên giá kim loại quý. Giá vàng vì thế đi xuống, lùi về ngưỡng 1.700 USD và duy trì quanh ngưỡng này một thời gian dài.
Phải đến những tuần cuối của năm 2022, vàng được đánh giá hoạt động tốt bất chấp lập trường có phần siết chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các dữ liệu kinh tế mạnh hơn dự kiến.
Nhiều thị trường, bao gồm cả kim loại quý, đang tìm kiếm các yếu tố đầu vào cơ bản mới để định hướng giá.
Tại cuộc họp chính sách cuối cùng của năm nay, Fed đã báo hiệu tiếp tục tăng lãi suất vào năm 2023 nhằm hạ nhiệt lạm phát vẫn đang ở mức cao và lãi suất cuối cùng có thể vượt mức 5%. Tuy nhiên, với chỉ số tiêu dùng (PCE), số liệu lao động thất nghiệp liên tục giảm, nhiều chuyên gia nhận định, nền kinh tế nước này đang trên đà phục hồi.
Với tốc độ phục hồi tăng trưởng kinh tế Mỹ và giảm lạm phát như hiện nay, nhiều khả năng Fed có thể sẽ chỉ tăng lãi suất thêm khoảng 2-3 đợt nữa, mỗi đợt khoảng 0,25%, rồi sẽ chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất hiện hành.
Một khi Fed gần tiến tới chấm dứt chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, thì đồng USD sẽ giảm dần ưu thế, qua đó sẽ đẩy giá vàng tăng lên.
Dự báo: Giá vàng năm 2023 có thể cán mốc 3.000 USD/ounce?
Nhiều chuyên gia dự báo thị trường vàng năm sau sẽ đón "sóng" nhờ đà giảm tốc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương và thị trường tài chính biến động mạnh.
Phân tích về triển vọng giá vàng trong năm tới trên trang Nasdaq, ông Ole Hansen - chiến lược gia hàng hóa tại Ngân hàng Saxo (Đan Mạch) - nhận định, giá vàng có thể tăng cao tới 3.000 USD/ounce trong bối cảnh lạm phát toàn cầu sẽ vẫn "nóng”, bất chấp việc thắt chặt tiền tệ.
Dự đoán của chuyên gia Ole Hansen được đưa ra khi nhu cầu mua vàng dự trữ của các ngân hàng trung ương ngày càng tăng. Trong quý III/2022, lượng mua ròng vàng đạt khoảng 400 tấn, trị giá hơn 20 tỷ USD. Đây là con số nhiều nhất trong hơn nửa thế kỷ qua. Nước mua vàng lớn nhất trong quý 3 là Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp đến là Uzbekistan và Ấn Độ.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành của hãng dịch vụ tài chính Swiss Asia Capital (Singapore) - ông Juerg Kiener - lạc quan tin tưởng, giá vàng thế giới có thể chinh phục mốc 2.500 - 4.000 USD/ounce trong năm sau.
Juerg Kiener nhận định, thị trường kim loại quý nhiều khả năng sẽ biến động mạnh và "không chỉ tăng 10% hay 20% mà có thể thiết lập những kỷ lục mới".
Cơ sở cho dự đoán này theo ông là do việc điều chỉnh lãi suất và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu khiến thị trường tài chính biến động.
Cùng lúc đó, Giám đốc điều hành của Swiss Asia Capital cho rằng, nhiều nền kinh tế có thể phải đối mặt với "suy thoái nhẹ" trong quý đầu tiên của năm 2023. Do đó, các ngân hàng trung ương sẽ giảm tốc tăng lãi suất và khiến vàng ngay lập tức trở nên hấp dẫn hơn.
Mike McGlone, chiến lược gia vĩ mô cấp cao của Bloomberg Intelligence thậm chí cho rằng vàng có thể đã "chạm đáy" trong năm nay. "Vàng được coi là một mặt hàng có hiệu suất cao nhất vào năm 2023, đặc biệt nếu Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nới lỏng chính sách".
McGlone cũng đồng tình với kịch bản kim loại quý có thể vượt trên 2.000 USD/ounce vào năm sau và sẽ không trở lại vùng giá của 2022, sau khi Fed chuyển từ giai đoạn thắt chặt tốc độ cao nhất trong 40 năm sang nới lỏng.