Giá vàng đã hạ nhiệt trong mấy phiên giao dịch gần đây khi đang trên "đỉnh" gần chạm ngưỡng 50 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 2 vừa qua.
Theo đánh giá của Goldman Sachs, nguyên nhân chính đằng sau sự sụt giảm của giá vàng là một "cuộc chạy đua vì tiền mặt", dẫn đến việc bán tháo kim loại quý này. Tuy nhiên, ngân hàng Mỹ vẫn dự báo giá vàng sẽ tăng trở lại trong một thời gian dài do ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra, tạo "cú sốc" lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.
Các nhà phân tích của Goldman kỳ vọng vào triển vọng tăng giá đối với vàng, vì cú sốc lớn hơn dự kiến đối với nền kinh tế toàn cầu có thể dẫn đến rủi ro lớn hơn. Giá vàng được dự đoán sẽ đạt mức 1.800 USD/ounce trong 12 tháng tới.
|
Giá vàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục đi lên trong năm 2020 và mấy năm tiếp theo. (Ảnh minh họa: Kitco News) |
Cùng quan điểm với Goldman Sachs, Westpac - một ngân hàng lớn tại Australia cũng đã tăng dự báo về đà tăng của giá vàng, không chỉ trong năm nay mà cả các năm tiếp theo - 2021, 2022 và 2023.
Trong năm 2020, Westpac dự báo vàng có giá trung bình 1.687 USD/ounce trong quý II và 1.663 USD/ounce trong quý III và quý IV, tăng thêm 200 USD/ounce so với dự báo hồi tháng 2. Về dài hạn, giá vàng có thể đạt mức trung bình trên 1.600 USD/ounce vào năm 2021 và sau đó vượt quá ngưỡng 1.700 USD/ounce vào cuối năm 2022.
Goldman Sachs đánh giá, giá vàng sẽ tiếp tục lên xuống trong thời gian tới, và việc bán tháo theo hướng thanh khoản trong thời gian gần đây sẽ giảm bớt.
Triển vọng về đồng đô la Mỹ cho thấy đồng bạc xanh có khả năng suy yếu trong tương lai. Điều này là một yếu tố có lợi cho giá vàng. Trước những rủi ro mà nền kinh tế Mỹ phải đối mặt và sự sẵn sàng hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nhiều chuyên gia dự báo đồng USD có khả năng sẽ giảm giá, mất khoảng 5% giá trị so với mức đỉnh của gần 3 năm vừa ghi nhận vào tháng trước.
Nhà kinh tế cao cấp Justin Smirk của Westpac cho rằng, các thị trường đang biến động trong bối cảnh virus corona ngày càng lan rộng, trong đó tác động mạnh tới nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ, và nhiều nền kinh tế lớn ở châu Âu.
"Kết thúc tháng 2/2020, tâm dịch Covid-19 chuyển hướng từ Trung Quốc sang các quốc gia khác. Các thị trường đang đổ dồn sự quan sát vào tốc độ lây lan đến chóng mặt của dịch bệnh này ở nước Ý, và khả năng đối phó của Mỹ và các nước châu Âu", chuyên gia Justin Smirk cho hay.
Một trong những nỗi lo tại thời điểm này là tăng trưởng kinh tế của Mỹ và toàn cầu bị ảnh hưởng thế nào bởi đại dịch Covid-19. Dịch bệnh này không chỉ ảnh hưởng tới sự thanh khoản thị trường trên toàn thế giới mà còn tác động đáng kể tới các hàng hóa, trong đó có dầu mỏ, than đá và kim loại quý.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế cấp cao Elliot Clarke, ảnh hưởng tiêu cực trong cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra có thể nhận thấy rõ trong lĩnh vực đầu tư. Cơn bão dịch đã giáng một "đòn đau" lên nền kinh tế toàn cầu vốn đã chịu nhiều tổn thương bởi cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới./.