Giá trị 'hai trong một' từ 'ngôi nhà Pháp luật Việt Nam'

TS. Nguyễn Thị Bích Hạnh

Là người làm báo “hai trong một” vừa làm báo, vừa làm truyền thông tư pháp, pháp luật, mang trên mình trọng trách “Cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp”, văn hóa Báo Pháp luật Việt Nam chính là “ở đời” và “làm người”, vì Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam, vì cộng đồng…

Báo Pháp luật Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (lần 2) nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày Báo phát hành số đầu tiên.
Báo Pháp luật Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (lần 2) nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày Báo phát hành số đầu tiên.

Văn hóa “ở đời” và “làm người”

Ngoài văn hóa báo chí, mang sứ mệnh là “cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp”, văn hóa Báo Pháp luật Việt Nam còn là văn hóa của những người làm truyền thông tư pháp, pháp luật, được thể hiện qua một chân lý, một lẽ sống mà Bác Hồ đã dạy, đến nay, các thế hệ cán bộ Tư pháp vẫn tiếp tục suy ngẫm, phấn đấu đó là: “Tư pháp là ở đời, làm người”.

Năm 1950, trực tiếp phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “…Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này là vấn đề ở đời và làm người…”.

Nói chuyện với các cán bộ, đảng viên Đảng bộ Báo Pháp luật Việt Nam tại Khu Di tích lịch sử Bộ Tư pháp (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Bộ Tư pháp Nguyễn Quang Thái đã dành một thời lượng lớn để nói về tư pháp ở đời và làm người đối với những người làm báo Pháp luật Việt Nam: “Câu nói “Tư pháp ở đời và làm người” của Bác Hồ có ý nghĩa sâu sắc, nhấn mạnh rằng tư pháp không phải là một lĩnh vực riêng biệt, tách rời khỏi đời sống xã hội. Ngành Tư pháp có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề của đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, giữ gìn trật tự xã hội.

Do đó, công tác tư pháp không chỉ là vấn đề kỹ thuật, pháp lý mà còn liên quan mật thiết đến đạo đức, nhân cách và lối sống của mỗi người làm công tác tư pháp. Tư pháp không chỉ là công việc mà còn là một phần của cuộc sống, đòi hỏi người làm tư pháp phải có phẩm chất đạo đức tốt, có lòng nhân ái, yêu nước, thương dân, và luôn hướng tới những giá trị cao đẹp của con người.

Đối với người làm báo, tin tức đưa ra là hoàn toàn đúng nhưng đúng mà không có lợi thì vẫn chưa đủ. Chính vì thế, nhà báo phải luôn tỉnh táo và phải biết quan tâm đến cái lợi, cái hại của mỗi thông tin trước khi quyết định truyền đi trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Những lời chỉ dạy của Bác về cốt cách, bản lĩnh của người cán bộ Tư pháp đã trở thành định hướng quan trọng cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp qua các thế hệ trong suốt chặng đường 80 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành. Đối với Báo Pháp luật Việt Nam nói riêng là hành trình làm nghề trong suốt 40 năm qua.

Hành trình 40 năm, những thành tích Báo Pháp luật Việt Nam đạt được không thể kể hết trong một bài báo nhỏ. Bảo đảm thông tin đăng tải khách quan, chính xác, nhanh nhạy, toàn diện, chất lượng, góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu Báo Pháp luật Việt Nam, Bộ, ngành Tư pháp nói chung. Sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ, phóng viên mà minh chứng là nhiều nhà báo trẻ ngày càng khẳng định được vị trí của mình trong nghề nghiệp đang tiếp tục dấn thân vì sự phát triển của Báo Pháp luật Việt Nam, “Vì Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”. Không chỉ làm tốt vai trò truyền thông tư pháp, pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam còn lan tỏa nhiều hoạt động vì cộng đồng.

Vì “ngôi nhà chung” Báo Pháp luật Việt Nam

Viết bài báo này đối với tôi giống như một chuyến điền dã trở về nguồn. Hành trình của một tờ báo cũng giống như hành trình của đời người, hành trình của một dòng sông.

Đại diện Báo Pháp luật Việt Nam trao 10 suất học bổng cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Gia Lai.
Đại diện Báo Pháp luật Việt Nam trao 10 suất học bổng cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Gia Lai.

Sau 3 tháng vất vả chuẩn bị, ngày 10/7/1985, tờ Pháp luật thường thức (tiền thân của Báo Pháp luật Việt Nam) đầu tiên in bằng chữ chì đã được xuất bản và phát hành đến tay bạn đọc. Khỏi phải nói về nỗi vui mừng của những người làm báo Pháp luật Việt Nam. Báo sau đó không chỉ bán được mà còn nhận được nhiều sự khen ngợi của độc giả bởi đó là tờ báo đầu tiên của ngành Nội chính, mang nội dung chuyên biệt khi cung cấp cho độc giả những thông tin thường thức, những câu chuyện về pháp luật. Dù báo xuất bản một tháng hai kỳ, nhưng mỗi lần in xong, mỗi người trong tòa soạn phải huy động cả gia đình đến để lồng báo, đưa báo ra sạp bán.

Từng bước chuyển mình mạnh mẽ, Báo Pháp luật Việt Nam 1 tháng 2 kỳ trở thành nhật báo. Các ấn phẩm của Báo từng bước đổi mới, đa dạng phong phú, đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu mới về truyền thông pháp luật và sự thích ứng với xu thế chuyển đổi của văn hóa đọc và kỷ nguyên khoa học, công nghệ mới.

Phát triển và lớn mạnh không ngừng, có những giai đoạn Báo Pháp luật Việt Nam có 11 ấn phẩm báo giấy chuyên trang điện tử và báo điện tử, với đội ngũ gần 300 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên ở 13 ban chuyên môn và 16 cơ quan đại diện, văn phòng đại diện khắp mọi miền Tổ quốc...

Điều đó khẳng định Báo  đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc cả nước. Với những nỗ lực không ngừng và kết quả đạt được, nhân dịp 35 năm thành lập Báo Pháp luật Việt Nam (10/7/1985 - 10/7/2020) Báo Pháp luật Việt Nam đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (lần 2).

Trước những thách thức của báo chí hiện đại, TS. Vũ Hoài Nam, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam chia sẻ: “Sức sống của báo chí là thông tin nhưng sự tồn tại của báo chí, sự phân biệt “thương hiệu” của các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo lại nằm ở chỗ, tờ báo hay nhà báo đó có thể định hướng dư luận xã hội ở mức độ nào (bằng lượng thông tin trung thực, khách quan, có kiểm chứng). Cùng với chặng đường vẻ vang 80 năm hình thành và phát triển của ngành Tư pháp, 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam, 40 năm qua, Báo Pháp luật Việt Nam đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích: “Vì Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “Vì sự nghiệp truyền thông tư pháp, pháp luật”. Tập thể cán bộ, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã nỗ lực không ngừng nghỉ để hoàn thành tốt sứ mệnh là “cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp”.

 

Người xưa từng nói: “Nghề báo có thể đưa người ta đến bất kỳ đâu, cái quan trọng là biết dừng lại khi cần”. Văn hóa Báo Pháp luật Việt Nam thể hiện rõ nhất vào những lúc khó khăn, đó là sự đoàn kết, chung tay, muôn người như một vì ngôi nhà chung Báo Pháp luật Việt Nam của cán bộ, phóng viên của Báo. Khi đã có sự đoàn kết, dấn thân thì việc gì cũng làm được, việc gì cũng thành công…”.

 

Tin Cùng Chuyên Mục