Ngày pháp luật

Gia tộc giàu có hàng đầu Hong Kong và cuộc hồi sinh đế chế sản xuất dầu hào lớn nhất thế giới

Theo Đinh Vân/Trí Thức Trẻ

LKK Group là nhà sản xuất dầu hào lớn nhất thế giới và dự kiến sẽ trở thành nhà sản xuất nước tương lớn nhất vào năm 2020.

Là con út trong bốn người con trai của Lee Man Tat – chủ tịch đương nhiệm của LKK Group (nhà sản xuất dầu hào lớn nhất thế giới và dự kiến sẽ trở thành nhà sản xuất nước tương lớn nhất vào năm 2020), ít ai ngờ được rằng chính Sammy Lee lại là người gánh vác trên vai trọng trách vực dậy công việc kinh doanh của cả một đế chế do gia đình mình lập ra.

LKK được Lee Kum Sheung mở ra vào năm 1888 ở Quảng Đông, Trung Quốc. Sau đó công ty được chuyển đến Macau vào năm 1902 và cuối cùng vào năm 1932 công ty này đóng đô tại Hong Kong cho đến bây giờ. Những người Trung Quốc đến sinh sống ở Singapore, Malaysia, Phillipines đều rất ưa chuộng loại dầu hào này và mang theo nó đến vùng đất mới.

Tuy nhiên, đường đến thành công của LKK gặp rất nhiều trắc trở vì lục đục nội bộ giữa anh em ruột, anh em họ, giữa cha và con với nhau. Sau khi dẹp tan nhiều cơn bão gần đánh gục công ty, Lee Man Tat là người thuộc thế hệ thứ 3 của gia đình đang dẫn dắt cả doanh nghiệp cho tới ngày nay. Hiện ông là người giàu thứ 3 Hong Kong theo danh sách Forbes công bố năm 2019 với tài sản 17,1 tỷ USD.

Vào năm 1972, Man Tat đề xuất bổ sung thêm nhiều sản phẩm, như xì dầu và nước sốt chua ngọt để mở rộng doanh nghiệp. Ông được cha ủng hộ, nhưng người chú lại phản đối, vì thế ông đề nghị mua hết cổ phần của họ.

Đến 1986, Man Tat muốn tăng sản lượng của nhà máy, nhưng người em trai lại không đồng ý. Một lần nữa, ông mua lại cổ phần của người em và nắm trọn quyền kiểm soát LKK.

Sau đó, ông có được sự trợ giúp của 5 người con khi họ đều tham gia công ty. Tuy nhiên vào năm 1999, Man Tat phải đối mặt với mối bất hòa khiến ông đau lòng nhất với người con trai út của mình, Sammy Lee. Nguyên do của sự việc là khoảng 7 năm trước Sammy đã thuyết phục cha lập ra một bộ phận sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ thảo dược. Nhưng đến năm 1999, chi phí cho việc này đã tiêu tốn rất nhiều tiền của công ty và Man Tat muốn bán công ty con này đi. Sammy không đồng ý, ông đề nghị bán cổ phần của mình ở công ty mẹ để giữ cho công ty con này tồn tại.

Gia tộc giàu có hàng đầu Hong Kong và cuộc hồi sinh đế chế sản xuất dầu hào lớn nhất thế giới - Ảnh 1

 

Vào năm 2000, Sammy quay lại LKK và xin khoảng thời gian ân hạn 5 năm để chứng minh công ty có thể thành công và hứa sẽ tăng doanh thu của công ty lên mười hai lần. Và lần này ông đã thành công.

Theo ước tính của Forbes Asia, LKK Group là nhà sản xuất dầu hào lớn nhất thế giới và dự kiến sẽ trở thành nhà sản xuất nước tương lớn nhất vào năm 2020, với lợi nhuận hàng năm đạt hơn 3 tỷ USD. Tuy nhiên công ty sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khỏe còn tạo ra doanh thu và lợi nhuận gấp đôi con số này.

Vực dậy doanh nghiệp bên bờ vực thẳm

Gia tộc giàu có hàng đầu Hong Kong và cuộc hồi sinh đế chế sản xuất dầu hào lớn nhất thế giới - Ảnh 2

 Sammy Lee.

Sammy cho biết công ty dược phẩm tạo ra doanh thu 3,5 tỉ đô la Mỹ năm 2016, và Forbes Asia ước tính nó thu được 475 triệu đô la Mỹ lợi nhuận. Mùa hè năm ngoái, quy mô công ty trở nên lớn rõ rệt: mua một tòa nhà chọc trời ở London, được gọi là Walkie-Talkie vì hình dáng giống chiếc bộ đàm, với 1,7 tỉ USD tiền mặt. Đây là giá cao kỷ lục đối với tòa nhà văn phòng ở Anh.

Vậy Sammy đã làm thế nào?

Ông bắt đầu bằng cách thay đổi mô hình bán hàng trực tiếp với hình thức nhượng quyền; hiện tại có một mạng lưới 7.000 cửa hàng trong chuỗi cửa hàng nhượng quyền. Trong nội bộ công ty, ông loại bỏ phương thức làm kinh doanh thông thường ở Trung Quốc, nổi tiếng mất nhiều thời gian nhậu nhẹt. Trong những ngày đầu thành lập công ty dược phẩm, ông thường dành 20 tiếng mỗi ngày ở công ty mà không có mấy thành quả. Và nó gây tổn hại đến sức khỏe và cuộc sống gia đình ông.

Chính điều này đã dẫn ông đến với văn hóa cổ điển của Trung Quốc, với Đạo giáo và cuốn Đạo đức kinh, hướng đẫn đường đi ngược lại mà ông gọi là "lãnh đạo bản năng." Cuốn sách nói về bốn kiểu lãnh đạo, thành công nhất thuộc về các nhà lãnh đạo vô hình ("là những người mà nhân dân của họ hầu như không biết đến"), trước những người được nhân dân yêu mến, rồi đến những người gợi lên nỗi sợ hãi và cuối cùng là những người gây ra hận thù. Điều này khiến ông tập trung vào hạnh phúc bản thân và gần 5.000 nhân viên.

Sammy bắt đầu cuộc thử nghiệm kéo dài nhiều năm. Ông yêu cầu 50 nhà quản lý hàng đầu dành 20% thời gian để xây dựng niềm tin và tìm kiếm các mục tiêu chung. Trong một sự kiện, Sammy và đội ngũ nòng cốt khoảng 10 người của ông nghỉ ngơi tại một spa suối nước nóng. Tất cả đàn ông cùng khỏa thân trong bồn nước nóng trong năm giờ đồng hồ, tiết lộ những bí mật đen tối của mình. Mục đích là làm cho các nhà quản lý tự chủ hơn và có được sự cân bằng giữa công việc, gia đình và sức khỏe.

Hiện nay ông tự hào về danh hiệu chính thức là "lãnh đạo vô hình của công ty." Dưới ông, các giám đốc điều hành của bốn lĩnh vực kinh doanh - sản phẩm chăm sóc sức khỏe, trồng cây dược liệu Trung Quốc, bất động sản và đầu tư mạo hiểm - phụ trách. Điều đó giải phóng thời gian làm việc để ông có thể suy nghĩ về các vấn đề rộng hơn.

Giải quyết mâu thuẫn gia đình

Vào năm 2002, Sammy và các anh chị em đề xuất ý tưởng về một hội đồng gia đình và một ban quản trị. Hội đồng gia đình gồm Man Tat và vợ cùng 5 người con của họ (4 trai, 1 gái) sẽ giải quyết các vấn đề gia đình như kế thừa. Còn ban quản trị, gồm Man Tat và các con trai, sẽ lo việc làm ăn và phát triển doanh nghiệp.

Bằng chứng rõ nét nhất cho thấy quyết tâm giải quyết xung đột trong nội bộ gia đình chính là việc 4 người con trai đồng tâm đi ngược lại truyền thống, chia cho người con gái duy nhất của Man Tat lượng cổ phần tương đương trong công ty.

Hiện tại, con cháu của 5 người con của Man Tat cũng tham gia hội đồng gia đình này, quản lý mọi thứ từ việc đầu tư cho đến làm từ thiện, một trung tâm học tập và phát triển cũng như một văn phòng giải quyết các vấn đề nội bộ. Đó là nơi để giải quyết tranh chấp và lập kế hoạch kế thừa.

Gia tộc giàu có hàng đầu Hong Kong và cuộc hồi sinh đế chế sản xuất dầu hào lớn nhất thế giới - Ảnh 3

 Đứng: (từ trái qua) Charlie Lee, David Lee, Sammy Lee, Eddy Lee Ngồi: (từ trái qua) Elizabeth Mok, Lee Choi May Ling, Lee Man Tat

Hội đồng gia đình này áp dụng những nguyên tắc mà nhiều mô hình doanh nghiệp gia đình thành công đã trải qua, như "cấm vợ/chồng của con cháu làm việc cho tập đoàn, cần có 2/3 số người tán thành khi thay đổi nguyên tắc, độ tuổi bắt buộc nghỉ hưu là 65 đối với đơn vị kinh doanh và 70 đối với hội đồng gia đình, cho phép thành viên không thuộc gia đình là chủ tịch hoặc giám đốc điều hành của bất kỳ đơn vị kinh doanh nào, v.v."

Đối với gia đình họ Lee, sự tồn vong của công ty là trên hết. "Chúng tôi đang nghiên cứu ý tưởng cấm các thành viên trong gia đình tham gia vào việc làm ăn", Sammy cho biết.

Tin Cùng Chuyên Mục