Ngày pháp luật

Giá heo hơi "leo nóc"

Theo Thanh Niên

Lượng thịt heo đông lạnh nhập khẩu tăng gấp 4 lần so cùng kỳ năm ngoái, mãi lực trên thị trường không tăng đột biến, nhưng giá heo hơi trong nước lại tăng phi mã, chạm đỉnh 100.000 đồng/kg.

Ngày 22.5, giá heo hơi trên cả nước vẫn ở mức cao nhất 100.000 đồng/kg tại Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nội. Trên một số diễn đàn, có thông tin heo hơi ở Hưng Yên hôm qua (22.5) lên đến 103.000 đồng/kg. Trong khi đó, khu vực phía nam như Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai giá heo hơi cũng lên tới 99.000 đồng/kg. Thấp nhất trên cả nước cũng có giá 90.000 đồng/kg. Giá heo hơi tăng nóng trong suốt 10 ngày qua. Còn tính sau 1 tháng hết cách ly toàn xã hội (22/4 - 22/5), giá heo hơi đã tăng từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Tại sao lại có hiện tượng giá heo hơi tăng sốc trong thời gian ngắn vậy?

Cam kết giảm giá, sản lượng bán ra tụt 70%

Ông Lê Văn Tiển, Phó giám đốc Công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (TP.HCM), cho biết qua thương lái, ông nắm khá rõ giá heo hơi trên thị trường tự do và giá heo hơi được bán ra từ Công ty CP chăn nuôi CP VN cho thương lái mỗi ngày. Tuy nhiên, từ ngày 15/5 đến nay (hơn 1 tuần), heo hơi của CP được bán ra bao nhiêu con, giá cả thế nào ông Tiển không có thông tin nữa.

"Giá heo hơi trung bình của tuần trước là 86.000 - 88.000 đồng/kg, heo mảnh về chợ là 110.000 - 115.000 đồng/kg, cao hơn so với thời điểm cuối tháng 3 từ 10.000 - 12.000 đồng/kg chứ không phải giảm như ngộ nhận", ông Lê Văn Tiển chia sẻ.

Giá heo hơi

“Hơn một tuần nay, các thương lái đưa hàng vào chợ cho biết chỉ mua được heo mảnh (heo đã mổ và xẻ hai - PV) của CP với giá giao tại lò mổ là 98.000 đồng/kg (chưa bao gồm chi phí vận chuyển, bảo quản đưa vào chợ đầu mối). Còn heo hơi được bán từ CP thương lái nói không ai mua được nên không cập nhật giá bao nhiêu”.

Ông Hùng, thương lái ở Đồng Nai, xác nhận trước tháng 4, thương lái mua heo hơi từ các công ty lớn không quá khó. Giá heo được phân loại 1 và loại 2, từ 73.000 - 75.000 đồng/kg và các thương lái được chiết khấu 1.000 đồng/kg, tức chỉ mua với giá 72.000 - 74.000 đồng/kg. Khi công ty báo giá 70.000 đồng/kg từ ngày 1.4, nguồn heo hơi của CP cung cấp ra chợ đầu mối qua các thương lái chỉ chiếm 30% so với trước đó, 70% còn lại họ không bán nữa mà chuyển dần sang thuê lò giết mổ và không có chiết khấu. “Đến nay, heo hơi mua ngoài thị trường từ 95.000 - 99.000 đồng/kg, không có heo giá 70.000 đồng hay 80.000 đồng/kg từ công ty nữa”.

“Rất nhiều người cho rằng ông lớn giảm 5.000 đồng/kg heo hơi thì heo mảnh phải giảm tương ứng, nhưng họ không biết là sản lượng cung cấp từ 100% tụt xuống chỉ 30% với giá 70.000 đồng/kg, nếu cộng với giá trung bình của thị trường tự do là 95.000 đồng/kg. Giá heo hơi trung bình của tuần trước là 86.000 - 88.000 đồng/kg, heo mảnh về chợ là 110.000 - 115.000 đồng/kg, cao hơn so với thời điểm cuối tháng 3 từ 10.000 - 12.000 đồng/kg chứ không phải giảm như ngộ nhận”, ông Tiển phân tích.

Thịt nhập tăng gấp 4 lần vẫn không đủ?

Trong khi giá thịt heo “nóng” trong nước quay theo cơn lốc bão giá, tăng mỗi ngày, thì sản lượng nhập khẩu thịt heo đông lạnh tăng mạnh. Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, nhập khẩu thịt heo đông lạnh trong 4 tháng đầu năm tăng gấp 4 lần so cùng kỳ năm ngoái. Hết tháng 4, cả nước nhập khẩu gần 55.000 tấn thịt heo. Ông Đinh Hồng Thái, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Nhiêu Lộc - một trong những nhà nhập khẩu thịt heo lớn ở thị trường phía nam, thừa nhận sản lượng nhập khẩu thịt tăng mạnh so cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, công ty đã nhập khẩu khoảng 5.000 tấn thịt heo, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19, nguồn hàng về nay đang chững lại, ít nhất đến tháng 6 mới có hàng về dồi dào.

Ông Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Bút, cho hay tháng vừa qua, một số nhà nhập khẩu chấp nhận bán rẻ, bán lỗ để giải phóng kho hàng, quay vòng vốn nhập thịt mới. Chẳng hạn, mỗi container trước đây lãi 50 - 100 triệu đồng, nay tính ra lãi khoảng 50 triệu đồng, nhưng không bù nổi chi phí lưu kho nên bán giá cũ vẫn lỗ một ít. Cho biết thịt heo đông lạnh đang tạm qua thời kỳ “ế không ai mua”, nhưng ông Phong cũng tỏ ra ngạc nhiên khi thịt đông lạnh được bán ra nhiều hơn, thị trường thịt heo “nóng” vẫn tiếp tục tăng “nóng” như vậy.

Ông Thái nói: “Từ tháng 2 - 4, hàng nhập về cảng, nhưng bán không ai mua vì thịt đông lạnh xưa nay chỉ bán vào bếp ăn tập thể, nhà hàng… Hàng tồn kho nhiều và không ai dám đặt hàng từ nước ngoài tiếp. Tuy nhiên, sau thời gian giãn cách ly, từ ngày 23.4 đến nay, các nhà nhập khẩu do phải chịu nhiều chi phí lưu trữ kho lạnh tại cảng nên hạ giá bán tháo nhanh hết hàng. Quay lại đặt thì nhiều nước lại bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng nề, nhà máy giết mổ tại các nước Canada, Nga, Mỹ… đóng cửa vì công nhân bị nhiễm dịch, khiến đơn hàng bị chậm tiếp. Cuối tháng 6, chúng tôi có khoảng 2.000 tấn nhập về, hợp đồng nay đã ký cách đây 1,5 tháng”.

Theo các công ty chuyên nhập khẩu thịt đông lạnh thuộc Hiệp hội Hàng đông lạnh phía nam, năm 2019, thịt đông lạnh nhập khẩu chỉ chiếm chưa tới 20% thị phần thịt heo cả nước. Trong đó, hàng chủ yếu bán vào các bếp ăn tập thể, công ty, nhà máy, trường học và chế biến. Nay, ngay sau mùa dịch, thịt nhập đã chiếm gần 35% thị phần, hơn 65% còn lại là thịt “nóng” trong nước.