Giá dầu thô Brent tăng 54 cent, tương đương 1,9%, đạt mức 28,36 USD/thùng vào lúc 11:33 (theo giờ Mỹ), dầu thô CLc2 của Mỹ giao tháng 6/2020 tăng 4 cent, tương đương 0,2%, ở mức 25,57 USD/thùng, trong khi hợp đồng dầu thô Mỹ CLc1 giao tháng 5/2020 hết hạn vào ngày 21/4 giảm 1,59USD, tương đương 0,1% ở mức 18,28 USD/thùng.
Các nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế, dần gỡ bỏ lệnh phong tỏa của Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump công bố các hướng dẫn mới cho các tiểu bang với một quy trình gồm 3 giai đoạn. Quy trình này được ông Trump đưa ra để kết thúc việc phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, một số quốc gia khác cũng đang dần nới lỏng việc hạn chế.
“Những kế hoạch mở cửa trở lại của nền kinh tế toàn cầu, khôi phục hoạt động sản xuất bình thường có thể giúp giá dầu bình ổn vững chắc vào tháng 5”, Han Tan, chuyên gia phân tích thị trường tại FXTM cho biết.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, bao gồm Nga, gọi là OPEC+ vào cuối tuần trước đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày, sau khi một thỏa thuận hợp tác trước đó đã thất bại.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng được thúc đẩy nhờ vào những tín hiệu vui trong việc điều trị Covid-19, sau khi hãng tin STAT news cho biết một bệnh viện ở Chicago đã ghi nhận kết quả khả quan khi chữa trị bệnh nhân Covid-19 bằng thuốc Remdesivir của Gilead. Nhiều bệnh nhân đã hồi phục nhanh chóng dù từng có triệu chứng rất nặng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, tâm lý của nhà đầu tư vẫn rất thận trọng. Những chỉ số kinh tế quan trọng vẫn ở mức thấp khi chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn phải đóng cửa và việc ngừng sản xuất quy mô lớn khiến hàng triệu người lao động mất việc.
Cả 2 loại dầu chuẩn này đang hướng tới tuần thứ 2 giảm giá liên tiếp, với dầu WTI của Mỹ ở mức thấp nhất trong 18 năm. Các nhà phân tích đã hạ dự báo giá và nhu cầu bởi sự lây lan của Covid-19 và lo ngại tình trạng dư thừa nguồn cung.
Sản lượng dầu thô hàng ngày của Trung Quốc trong tháng 3 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 tháng, nhưng cũng đang có một số dấu hiệu phục hồi khi nước này bắt đầu giảm bớt các biện pháp ngăn chặn Covid-19, mở cửa trở lại một số hoạt động kinh tế quan trọng.
Sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc cũng được nhấn mạnh với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I/2020 ở mức 2.910 tỷ USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu thống kê ngày 17/4 của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS). Đây là sự suy giảm tăng trưởng GDP theo quý lần đầu tiên kể từ năm 1992, thời điểm Trung Quốc bắt đầu thống kê chỉ số này.
Tập đoàn dầu mỏ của Mỹ ConocoPhillips (COP.N) hôm 17/4 cũng cho biết sẽ giảm sản lượng theo kế hoạch của Bắc Mỹ xuống 225.000 thùng/ngày, mức cắt giảm lớn nhất từ trước đến nay của một nhà sản xuất dầu đá phiến lớn do nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng.
“Những động thái trên cho thấy thị trường sẽ chứng kiến những đợt cắt giảm sản lượng có ý nghĩa từ các quốc gia không nằm trong OPEC+. Chính áp lực thị trường, cùng với môi trường giá thấp, nhu cầu sụt giảm sẽ khiến các nhà sản xuất buộc phải cắt giảm”, ngân hàng thương mại ING cho biết.