UBND TP Hà Nội vừa có quyết định về việc phê duyệt giá đất cụ thể làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án xây dựng hoàn thiện nút giao Chùa Bộc - Thái Hà theo quy hoạch tại góc phần tư (1/4) nút giao từ Học viện Ngân hàng đến cổng trường Đại học Công đoàn, quận Đống Đa.
Theo đó, giá đất ở cụ thể tại vị trí 4 phố Chùa Bộc là 47.148.780 đồng/m2. Trong khi đó, tại bảng giá đất TP.Hà Nội giai đoạn 2020 - 2024, vị trí này được định giá 24,36 triệu đồng/m2.
Sau khi có thông tin đền bù về giá đất, khảo sát tại một số chuyên trang mua bán bất động sản cho thấy, giá đất mặt đường phố Chùa Bộc hiện nay được ghi nhận ở mức 150 - 300 triệu đồng/m2, tùy thuộc vào diện tích, chiều rộng của mặt tiền.
Đơn cử như một căn diện tích 110m2 với 5 tầng thông sàn, cũng đang cho thuê kinh doanh. Có phần vỉa hè rộng nên sau khi mua về có chuyển đổi vừa cho thuê vừa ở đang được rao bán với giá 45 tỷ đồng. Tính ra 1m2 có giá 409,1 triệu đồng.
Căn mặt phố Chùa Bộc có diện tích 143m2, mặt tiền 6m chính chủ, vuông vắn, được người rao bán với giá 79 tỷ. Tính ra mỗi m2 có giá 489,5 triệu đồng.
Cá biệt, có một chủ hộ rao bán một căn nhà 48,2m2 với giá 29 tỷ đồng, tương đương 602 triệu đồng/m2. Theo quảng cáo của chủ hộ, sở dĩ căn nhà này có mức giá cao như vậy, là do mặt tiền rất rộng gần 4m.
Ngoài ra, với các ngôi nhà trong ngõ thì giá bán có sự chênh lệch, cụ thể là thấp hơn khá nhiều. Trung bình giá bán dao động từ 95 - 200 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên thì các nhà đang rao bán là nằm bên số lẻ của phố, còn phần đền bù là nằm bên số chẵn.
Theo chia sẻ của anh Nguyễn Tiến Lâm, chủ sàn giao dịch bất động sản Thái Hà (Hà Nội) chia sẻ, chùa Bộc vốn một trong những con phố kinh doanh sầm uất bậc nhất quận Đống Đa. Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, khu vực này nhộn nhịp cửa hàng từ thời trang cho đến cửa hàng ăn uống, văn phòng… Giá cho thuê mặt bằng trung bình cũng 25 - 30 triệu đồng/m2. Cùng với đó, từ lâu thông tin về việc thu đất, mở rộng phố khiến giá đất mặt ngõ khu vực này cũng trung bình vào khoảng 55 - 100 triệu đồng/m2, những lúc theo các cơn sốt cũng được thổi giá tăng gấp 2 - 3 lần.
“Thông tin đền bù giá đất hiện là trên 47 triệu đồng/m2 thì tất yếu giá rao bán cũng phải tăng lên để cân xứng với bối cảnh. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp có những mảnh đất bị người dân hoặc “cò” đất thổi phồng giá trị.
Còn việc rao bán rầm rộ lúc này trên các trang mạng cũng chỉ là tạo sóng mới kiếm thêm thông tin người mua. Bởi thực chất Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, không ai đi mua và xem nhà đất vào lúc này. Đó chưa kể, nhà đất là mặt hàng có giá trị lớn và chỉ xem trực tiếp mới quyết định kí kết”.
Do đó anh Lâm cho rằng các nhà đầu tư, người dân khi tìm hiểu về nhà đất chùa Bộc giai đoạn này cũng cần cẩn trọng trước các thông tin thổi giá, làm giá trên mạng xã hội.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện nút giao thông Chùa Bộc - Thái Hà theo quy hoạch tại góc 1/4 nút giao, từ Học viện Ngân hàng đến cổng trường Đại học Công đoàn, đã được UBND Hà Nội phê duyệt ngày 28/10/2014 có tổng chiều dài trên 521m, với các hạng mục nền, mặt đường, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, vỉa hè, tổ chức giao thông và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư trên 535 tỷ đồng, trong đó hơn 470 tỷ đồng là chi phí GPMB.
Theo phương án thiết kế, khi hoàn thiện góc 1/4, phố Chùa Bộc (hướng đi Thái Hà) sẽ được chỉnh trang, cải tạo bên phải tuyến, bắt đầu từ cổng Học viện Ngân hàng qua góc ngã tư, tiếp đến tuyến phố Tây Sơn (hướng đi Nam Đồng), kết thúc tại cổng trường Đại học Công đoàn.
Sau khi mở rộng, mặt đường tuyến phố Chùa Bộc trong nút giao sẽ rộng từ 23 - 30m; đoạn từ Chùa Bộc đến phạm vi nút giao rộng từ 16 - 18m; vỉa hè rộng trung bình 3m.