Chưa bao giờ giá cao su lại tăng mạnh như những tháng trở lại đây, sau nhiều năm liền "ảm đạm". Liên tục đối mặt với tình trạng dư cung, giá cao su đầu năm 2018 tiếp tục giảm mạnh về vùng giá 130 Yên Nhật/kg.
Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây giá cao su đột nhiên bật tăng mạnh mẽ, tăng hơn 46% thị giá và nhanh chóng quay về mức đỉnh một năm, hiện giao dịch tại mức 186 Yên/kg, thậm chí đang trong đà tăng mạnh. Tính nôm na, giá cao su hiện đạt mức tăng đến 1% thị giá mỗi ngày.
Trên thực tế, chưa có một lý do rõ ràng nào cho đà tăng sốc của giá cao su, chưa kể giá dầu biến động giảm thời gian qua thêm khiến dư luận khó hiểu – bởi giá cao su và giá dầu thương tỷ lệ thuận với nhau.
Theo giới quan sát, lượng dư cung cao su đang dần được siết chặt, đi cùng nhu cầu đang có dấu hiệu tăng là dấu hiệu tích cực cho ngành cao su. Trong đó, quốc gia sản xuất nhiều cao su là Thái Lan đang có chủ trương chính phủ hỗ trợ người dân giảm canh tác cao su, đồng thời tình hình thời tiết không thuận lợi thời gian qua theo nhiều ý kiến khiến nguồn cung tại đất nước này được dự báo sẽ giảm đáng kể, từ đó tác động làm tăng giá cao su thế giới. Mặt khác, nguyên nhân còn đến từ hy vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận để kết thúc chiến tranh thương mại.
Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng giá cao su tăng do đầu cơ, và sẽ nhanh chóng giảm nhiệt. Song, tính đến phiên hôm nay, giá dầu cũng quay đầu tăng vọt khoảng 5% lên mức cao nhất trong gần một tháng, hỗ trợ thêm cho đà tăng của cao su. Cập nhật mới nhất, cao su TOCOM đạt mức cao nhất trong 7 tháng; cao su kỳ hạn tại Tokyo tiếp tục tăng phiên thứ 4 liên tiếp, đạt mức cao nhất 7 tháng qua.
Đến hồi hái quả
Và, trong bối cảnh tăng chưa từng có của giá cao su khiến chúng ta nghĩ ngay đến "ông trùm" cao su Việt Nam một thời – Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) của bầu Đoàn Nguyên Đức. Với tổng diện tích trồng cao su đến nay vào khoảng 40.000ha, trong đó diện tích dự kiến khai thác trong năm 2018 hơn 17.000ha nếu được thu hoạch vào giai đoạn hiện nay thì khoản lợi nhuận bầu Đức thu về sẽ vô cùng lớn.
Nói về công trình cao su của bầu Đức, từng là đầu tàu phát triển của Tập đoàn và cả tâm huyết của người đứng đầu, giá cao su sau đó liên tục sụt giảm khiến HAGL chồng chất khó khăn, thậm chí HAGL còn lên kế hoạch bán hàng chục ngàn ha để cân đối vốn giai đoạn kinh doanh khốn khó.
Ghi nhận tại BCTC 2017, HAGL cho biết do tình hình giá cao su không thuận lợi, theo đó Tập đoàn chủ trương sẽ hạn chế khai thác trong năm 2018. Theo đó, Tập đoàn đặt kế hoạch khai thác 17.691ha trong năm 2018, với doanh thu dự kiến 520 tỷ, lợi nhuận vào khoảng 30 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với đống góp năm 2017.
Kế hoạch kinh doanh 2018 của HAGL, Đvt: Tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu tính theo thị giá hiện tại, con số lợi nhuận đóng góp dự kiến sẽ chênh lệch nhiều so với dự phóng đầu năm. Chưa kể, tổng diện tích cao su hiện có của HAGL khoảng 40.000ha nếu tính theo thời buổi hiện nay cũng được định giá cao hơn nhiều lần, với mức tăng đột biến của giá cao su hiện nay trên thế giới.
Về toàn Tập đoàn, năm 2018, HAGL mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận gộp lần lượt 6.217 và 2.766 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng, giảm 53% so với năm ngoái; và không chia cổ tức 2018.