Sau khi Mỹ công bố chỉ số lạm phát 8,3% - cao hơn dự đoán của các nhà kinh tế, thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử cùng tiếp đà đi xuống.
Theo CoinMarketcap, tính đến trưa 12/5, giá đồng Bitcoin lao dốc về mốc 26.880 USD, giảm 14,27% trong 24 giờ qua, chính thức rớt khỏi ngưỡng 27.000 USD. Vốn hóa thị trường của đồng tiền điện tử này cũng giảm xuống còn hơn 513 tỷ USD.
Không chỉ Bitcoin mà nhiều đồng tiền điện tử khác cũng "đổ đèo". Đồng ether cũng giảm hơn 13% xuống mức 1.832,33 USD.
Theo ông Michael Rinko, nhà phân tích tài chính tại AscendEx nhận định, thị trường tiền điện tử đã chịu áp lực trong thời gian gần đây. "Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục tăng lãi suất vì thế các cổ phiếu và tiền điện tử được dự đoán còn đi xuống. Điều này sẽ tạo ra nhiều lo ngại cho thị trường", ông Rinko nói thêm.
Đây là lần thứ 2 trong tuần này, bitcoin giao dịch dưới ngưỡng 29.000 USD. Các nhà phân tích cho rằng 30.000 USD là mốc quan trọng với đồng tiền điện tử lớn nhất về vốn hóa này.
Trước đó, nhiều chuyên gia nhận định, nếu Bitcoin không giữ được mốc 30.000 USD, đồng tiền này sẽ còn tiếp tục đi xuống. Thời điểm này tuần trước, bitcoin giao dịch quanh ngưỡng 40.000 USD nhưng sau đó nhanh chóng lao dốc và liên tục lùi về mức thấp hơn.
Chia sẻ với CNBC, Yuya Hasegawa - nhà phân tích thị trường tiền điện tử tại sàn giao dịch bitcoin Nhật Bản Bitbank - cho rằng bitcoin cần duy trì mốc tâm lý quan trọng 33.000 USD để ngăn chặn sự suy giảm hơn nữa về mặt kỹ thuật.
Dữ liệu từ trang nghiên cứu blockchain Glassnode mới đây cũng cho thấy, khoảng 40% người nắm giữ bitcoin đang rơi vào tình trạng thua lỗ. Đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới hiện đã mất 55% giá trị so với mức đỉnh lịch sử thiết lập vào tháng 11/2021.