Bitcoin nổi tiếng là loại tiền số có mức biến động giá cao. Chỉ từ tháng Một đến giữa tháng Tư năm nay, giá Bitcoin leo thang gấp đôi, nhưng rớt sâu khoảng 52% trong ba tháng tiếp theo, sau đó lại tăng đến 65% trong vòng hai tháng nay, theo thống kê của tờ WSJ.
Tuy nhiên, mức tăng trong tháng Tám đã đi ngược với xu hướng biến động này. Giá Bitcoin thời gian gần đây chỉ dao động nhẹ quanh mốc 50.000 USD. Theo nhiều chuyên gia, mức giá này khó lòng vượt lên cao hơn trong thời gian sắp tới, nhưng việc giảm giá sâu hơn cũng khó lòng xảy ra.
Các đối thủ khác của Bitcoin của thị trường tiền số
Mặc dù là loại tiền số có giá trị vốn hóa thị trường hàng đầu, gần 940 tỷ USD, nhưng Bitcoin ngày càng ít tính đại diện cho thị trường tiền số hơn. Các nhà đầu tư đang chuyển sang các góc khác của thị trường này.
Trong tháng Tám, các quỹ Ethereum đã nhận được nguồn vốn đổ vào lên đến 22,4 triệu USD, theo CoinShares. Loại tiền số đứng thứ hai này có mức vốn hóa thị trường tăng trưởng thần tốc, gấp 10 lần một năm về trước và hiện đã bằng một nửa giá trị vốn hóa của Bitcoin. Và các quỹ đầu tư tập trung vào Cardano — một nền tảng blockchain tương tự như Ethereum — cũng có dòng vốn vào lên đến 18,7 triệu USD.
NFT – loại token mã hóa trên blockchain đại diện cho một tài sản duy nhất cũng nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư, rút mạnh nguồn vốn khỏi Bitcoin. Trên OpenSea, sàn giao dịch lớn nhất cho NFT, khối lượng giao dịch lên đến 3,5 tỷ USD trong 30 ngày qua, theo dữ liệu từ trang web nghiên cứu DappRadar. Trước tháng Tám, OpenSea có tổng lượng giao dịch chỉ khoảng 1 tỷ USD kể từ khi được thành lập vào năm 2016.
Gần đây, hai công ty blue-chip của Mỹ là Visa và Facebook cũng tham gia vào thị trường NFT. Visa mua NFT “CryptoPunks” và Facebook cho biết họ đang xem xét xây dựng các dịch vụ cho NFT trong dịch vụ ví tiền số sắp ra mắt. Những tên tuổi lớn tham gia thị trường từng là động lực tăng giá của Bitcoin, giờ đồng tiền số hàng đầu cần những cái tên khác để cạnh tranh trong thị trường.
Tại sao không giảm sâu hơn?
Việc thiếu đi sự hỗ trợ từ Elon Musk – người có công thổi giá Bitcoin hồi đầu năm, việc thắt chặt chính sách khai thác và giao dịch tiền số tại Trung Quốc, sức ảnh hưởng với thị trường tiền số từ các ngân hàng trung ương và nỗi lo sợ của giới đầu tư không chuyên được coi là những nguyên nhân chính dẫn đến việc sụt giá nghiêm trọng của Bitcoin từ tháng Năm đến tháng Bảy năm nay.
Chỉ trong vòng ba tháng, Bitcoin rơi từ ngưỡng cao kỷ lục 60.000 USD xuống chỉ còn một nửa. Khi đó, trên biểu đồ giá của Bitcoin sắp xuất hiện một "giao cắt tử thần" (death-cross) – thuật ngữ chỉ hiện tượng khi đồ thị đường giá bình quân 50 ngày dần trượt về đường giá bình quân 200 ngày. Khi hai đường này cắt nhau thì "giao cắt tử thần" sẽ phát tín hiệu cho thấy giá một tài sản có thể giảm sâu hơn nữa (bearish).
Tuy nhiên, đợt báo tháo tiếp theo đã không xảy ra, và giá Bitcoin dần phục hồi lại, hiện đang ở ngưỡng 50.000 USD. Một trong những lý do giải thích sự phục hồi là sự “lắc rụng” (shakeout) những nhà đầu tư yếu kém. “Việc giảm giá dưới mốc 30.000 USD đánh dấu ngưỡng cuối giai đoạn củng cố”, bà Katie Stockton, nhà sáng lập công ty nghiên cứu Fairlead Strategies cho biết. Theo bà, sau mốc này, giá sẽ nhanh chóng phục hồi.
Một lý do khác khiến Bitcoin không rớt giá sâu hơn là vì Bitcoin có những người chỉ giữ (không bán ra) với số lượng lớn và trung thành. Chẳng hạn như Satoshi Nakamoto, nhân vật bí ẩn sáng tạo ra Bitcoin, được cho là đang nắm giữ 1,1 trong số khoảng 21 triệu Bitcoin có thể khai thác trên thế giới. Theo báo cáo hồi tháng Hai của sàn giao dịch được niêm yết Coinbase, việc Nakamoto chuyển nhượng số tài sản này hoặc chỉ cần tiết lộ danh tính, cũng dẫn đến nguy cơ sụp đổ toàn bộ thị trường. May mắn là việc này chưa xảy ra.
Giá trị tương lai của Bitcoin
Trong một ghi chú gửi khách hàng, Bret Oliver, nhà phân tích tại Momentum Structural Analysis, ông rằng đồ thị lên xuống của giá Bitcoin kể từ mức cao nhất vào tháng Tư giống với những gì đã xảy ra sau khi đồng tiền số này lập mức đỉnh cách đây bốn năm.
Vào năm 2017, giá Bitcoin tăng mạnh đến ngưỡng gần 20.000 USD, giảm mạnh trong ba tháng tiếp theo, và sau đó trải qua hơn một năm suy thoái kéo dài trước khi đợt tăng tiếp theo bắt đầu.
Theo ông Oliver, đợt suy thoái này không nhất thiết phải kéo dài như đợt trước, nhưng ông dự báo giá Bitcoin sẽ ở một ngưỡng cố định nào đó một thời gian dài trước khi có thể lập ngưỡng cao mới, kể cả nếu như ngưỡng này là mốc thấp nhất hồi tháng Bảy. Đây là hàm ý quan trọng đối với những nhà đầu tư không có ý định lâu dài.