Nhóm cổ đông liên quan đến ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex – mã CK: GEX) đã thông báo hoàn tất mua thêm 100.000 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành giá ưu đãi 12.000 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ các giao dịch đều được thực hiện trong khoảng thời gian từ 1/7-5/7.
Trong đó, CEO Nguyễn Văn Tuấn đã chi khoảng 620 tỷ đồng để mua 51,9 triệu cổ phiếu phát hành thêm. Sau giao dịch, ông Tuấn đã nâng mức sở hữu lên 138,4 triệu cổ phiếu và vẫn là cổ đông lớn nhất tại Gelex với 17,72% cổ phần.
Bên cạnh đó, bà Đào Thị Lơ - mẹ của CEO Nguyễn Văn Tuấn, cũng mua 9 triệu cổ phiếu GEX trong đợt chào bán ưu đãi này qua đó nâng mức sở hữu lên 24 triệu đơn vị (tỷ lệ 3,07%). Giá trị giao dịch ước tính khoảng 108 tỷ đồng.
Công ty riêng do bà Lơ làm Giám đốc là Công ty TNHH MTV Đầu tư GEX cũng đã mua thêm 38,97 triệu cổ phiếu GEX với tổng giá giao dịch ước tính là gần 470 tỷ đồng. Sau giao dịch, tổ chức này vẫn sở hữu 13,303% cổ phần , tương ứng số lượng 104 triệu cổ phiếu và là cổ đông lớn thứ 2 tại Gelex chỉ sau ông Tuấn.
Như vậy, nhóm cổ đông liên quan đến CEO Nguyễn Văn Tuấn đã mua thêm tổng cộng 100 triệu cổ phiếu GEX và vẫn nắm giữ hơn 34% vốn điều lệ của Gelex. Với giá chào bán ưu đãi 12.000 đồng/cổ phiếu, số tiền nhóm cổ đông này đã chi ra cho thương vụ trên vào khoảng 1.200 tỷ đồng.
Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 đã thông qua việc ông Tuấn và người liên quan được giao dịch vượt quá 35% không phải báo cáo. Theo ban lãnh đạo, đây là điều phù hợp quy định và phía CEO cũng mong muốn đầu tư dài hạn vào công ty.
Trong thời gian diễn ra giao dịch, cổ phiếu GEX diễn biến khá tích cực khi tăng liên tiếp 3 phiên lên mức 23.600 đồng/cổ phiếu trước khi quay đầu điều chỉnh theo xu hướng chung của thị trường. Hiện thị giá GEX đang dừng ở mức 21.100 đồng/cổ phiếu, tăng 17% so với đầu năm và cao hơn 76% so với giá chào bán ưu đãi.
Được biết, đây là đợt chào bán 293 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo danh sách cổ đông chốt ngày 4/6, nhằm huy động 3.500 tỷ đồng của Gelex trong năm 2021. Vốn điều lệ sau chào bán của Gelex đã tăng thêm 60%, từ hơn 4.882 tỷ đồng hiện nay lên trên 7.400 tỷ đồng.
Sau khi Gelex tăng vốn thành công, các quỹ thành viên thuộc Dragon Capital đã nhanh tay mua thêm 2,5 triệu cổ phiếu GEX để nâng tỷ lệ sở hữu của cả nhóm lên mức 5,0116% và chính thức trở lại làm cổ đông lớn từ ngày 13/7. Ước tính theo giá chốt phiên thực hiện giao dịch (9/7) là 22.700 đồng/cổ phiếu, số tiền nhóm quỹ đã chi ra vào khoảng hơn 56 tỷ đồng.
Điều gì khiến cổ đông và các quỹ ngoại không ngần ngại chi hàng nghìn tỷ đồng để mua cổ phiếu phát hành và tăng sở hữu tại Gelex?
Tăng trưởng lợi nhuận 46% năm 2021
Sau 5 năm tái cấu trúc (M&A, thoái vốn, sắp xếp các đơn vị thành viên), Gelex đã trở thành tập đoàn tư nhân đa ngành theo mô hình holdings, hoạt động trong các lĩnh vực thiết bị điện, bất động sản, vật liệu xây dựng, năng lượng, nước sạch.
Năm 2021, Gelex tiếp tục hoạch định đầu tư trên hai lĩnh vực chính là Sản xuất công nghiệp gồm sản xuất thiết bị điện và vật liệu xây dựng; lĩnh vực Hạ tầng gồm sản xuất điện, nước, khu công nghiệp và hệ sinh thái quanh khu công nghiệp.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2021, GEX đặt mục tiêu đạt 28.540 tỷ doanh thu, tăng đến 58% so với năm 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế dự kiến chỉ tăng 7% lên 1.285 tỷ đồng. Được biết, kế hoạch lãi này điều chỉnh thấp hơn đáng kể so với con số trước đó là 1.800 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo cho biết kế hoạch sơ bộ được lập vào tháng 12/2020 có tính đến khoản đánh giá lại từ việc hợp nhất Viglacera (mã VGC). Tuy nhiên, sau khi tăng tỷ lệ sở hữu tại Vigacera, HĐQT đã có xem xét và điều chỉnh khoản lợi nhuận đánh giá lại từ việc hợp nhất để không tạo quá nhiều đột biến từ nghiệp vụ cũng như đảm bảo tốc độ tăng trưởng đều của Gelex.
Sau 6 tháng đầu năm, Gelex ước đạt 12.234 tỷ doanh thu, tăng 67,3% so với cùng kỳ và thực hiện 43% kế hoạch năm. Trong đó, mảng điện đóng góp 9.92 tỷ doanh thu, tăng 50% và chiếm 53% kế hoạch năm. Mảng hạ tầng đạt 456 tỷ đồng doanh thu, tăng 17,6% và đạt khoảng 42% kế hoạch năm.
Lợi nhuận trước thuế sơ bộ 6 tháng đầu năm 2021 đạt 891 tỷ đồng, tăng 68% so với năm trước và hoàn thành 69% kế hoạch cả năm đề ra. Chứng khoán VCSC dự báo lãi ròng năm 2021 của Gelex có thể tăng trưởng 46% do đóng góp cao hơn từ Viglacera và thu nhập từ mảng thiết bị điện phục hồi.
Trong năm 2021, Gelex sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối tại Viglacera và KCN Dầu khí Long Sơn. Với mảng năng lượng tái tạo, các dự án Điện gió Hướng Phùng 2,3 và Quảng Trị 1,2,3 sẽ vận hành thương mại vào tháng 9 tới. Công ty cũng triển khai công việc để bổ sung các dự án Điện gió Gia Lai (100MW), Điện gió Đăk Lăk (200 MW), Điện mặt trời Bình Phước (480MW), cụm Điện gió ngoài khơi Vĩnh Hải (800MW).