Tại Đại hội cổ đông thường niên 2020, ban lãnh đạo Tổng công ty Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex) cho biết sẽ tiếp tục kiên trì với định hướng mô hình holdings tư nhân với 2 khối kinh doanh chính gồm: sản xuất công nghiệp với sản xuất thiết bị điện và vật liệu xây dựng; và mảng hạ tầng với sản xuất điện, nước, khu công nghiệp và hệ sinh thái quanh khu công nghiệp.
Đáng chú ý, năm 2020, Gelex đặt mục tiêu hoàn tất các thương vụ đầu tư chiến lược, gồm mua và sở hữu chi phối Tổng công ty Viglacera và Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh, mua và sở hữu 100% Công ty Dây đồng Việt Nam CFT. Đồng thời triển khai các dự án năng lượng tái tạo theo kế hoạch được phê duyệt; tiếp tục tối ưu hóa sản xuất; đẩy mạnh phát triển thị trường, gia tăng thị phần các doanh nghiệp.
Trong đó, Viglacera là mục tiêu hợp nhất năm ngoái chưa hoàn thành. Ban điều hành Gelex dự kiến sẽ thâu tóm thành công Viglacera vào quý 4 năm nay. Chủ tịch HĐQT của Gelex, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết công ty sẽ trực tiếp là chủ đầu tư khu công nghiệp thông qua phối hợp sử dụng thương hiệu của Viglacera - một doanh nghiệp có vốn Nhà nước nên quá trình đầu tư cần nhiều thời gian.
Hiện tại, hai bên đang triển khai các thủ tục pháp lý để mở rộng dự án 100 ha tại Tây Ninh lên 600 ha, đã mua khu công nghiệp Long Sơn 800 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Tuấn cho biết Viglacera hiện sở hữu 12 khu công nghiệp ở miền Bắc với tổng quỹ đất hơn 5.000 ha. Ngoài ra, Gelex thực hiện M&A để phát triển khu công nghiệp phía Nam tại Tây Ninh, Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai...để mở rộng chuỗi khu công nghiệp trên cơ sở sử dụng hệ thống khách hàng của Viglacera.
Hiện nay Gelex nắm 25% cổ phần Viglacera, thông qua sở hữu trực tiếp (5,54%) và gián tiếp qua Công ty con Gelex Electric (19,43%). Cổ đông lớn nhất vẫn là Bộ Xây dựng với tỷ lệ 38,85%.
Kể từ khi Bộ Công thương thoái vốn chi phối vào cuối năm 2015, Gelex đã và đang kiên định với chiến lược M&A những doanh nghiệp đầu ngành, có hiệu quả kinh doanh cao, dòng tiền tốt, như Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh, Nước sạch Sông Đà, Sotrans, Cảng Đồng Nai, gia tăng tỷ lệ sở hữu trong các công ty thành viên Cadivi, Thibidi.
Việc theo đuổi nhiều thương vụ M&A quy mô lớn khiến nhu cầu nguồn vốn của Gelex tăng cao. Tính tới cuối quý 1/2020, vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn của Gelex là 9.695 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng nguồn vốn của công ty.
Để tài trợ cho các hoạt động đầu tư, năm 2019, Gelex đã thực hiện phát hành cổ phần để thực hiện chứng quyền lần 2 có giá trị 180 tỷ đồng trong quý 2, thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu trong quý 3, vốn điều lệ của Công ty hiện nay là 4.882 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2019, Gelex đã phát hành thành công trái phiếu kỳ hạn 10 năm có tổng giá trị mệnh giá phát hành là 1.150 tỷ đồng với lãi suất cố định 6,95%/năm.
Do nhu cầu vốn lớn Gelex không chia cổ tức và dành phần lớn nguồn lợi nhuận chưa phân phối năm 2019 để mua cổ phiếu quỹ với giá trị gần 300 tỷ đồng. Mới đây, HĐQT công ty cũng đã thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu trị giá 350 tỷ đồng
Về kế hoạch kinh doanh, xem xét đến nhiều rủi ro tiềm ẩn về kinh tế, xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh toàn thế giới, Gelex xây dựng kế hoạch kinh doanh hợp nhất với 2 kịch bản.
Với kế hoạch giả định hợp nhất Viglacera vào đầu quý 4 năm 2020, Gelex dự kiến doanh thu thuần hợp nhất đạt 19.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 975 tỷ đồng. Với kịch bản chưa hợp nhất với Viglacera, doanh thu thuần hợp nhất 17.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 735 tỷ đồng.