Ngày pháp luật

Gelex đặt mục tiêu hợp nhất với Viglacera trong 2021

Quỳnh Chi

Gelex tiếp tục muốn gia tăng sở hữu tại Viglacera để hoàn thành mục tiêu thâu tóm tổng công ty này đã được đề cập đến từ năm 2019.

Ngày 29/12/2020, Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex – Mã CK: GEX) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020. 

Tại đại hội, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn cho biết GEX có kế hoạch hợp nhất với Viglacera (Mã CK: VGC) trong năm 2021. Trong năm 2020, GEX đã nâng sở hữu tại Viglacera lên 46,07% vốn điều lệ song vẫn muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu trong năm 2021. 

Trước đó, mục tiêu thâu tóm Viglacera được lãnh đạo GEX đề cập đến trong nhiều lần. Tại Đại hội cổ đông diễn ra giữa năm 2020, ông Tuấn chia sẻ năm 2020, đặt mục tiêu hoàn tất các thương vụ đầu tư chiến lược, gồm mua và sở hữu chi phối Viglacera. Việc này sẽ giúp Gelex hướng tới một hệ sinh thái khép kín gồm: khu công nghiệp, hạ tầng điện nước và nhà ở xã hội cho người lao động. Mục tiêu này được Gelex đề ra từ năm 2019 song chưa hoàn thành. 

Gelex đặt mục tiêu hợp nhất với Viglacera trong 2021 - Ảnh 1

Hiện ngoài GEX, một cổ đông lớn khác của Viglacera là Bộ Xây dựng. Tại đại hội cổ đông 2020 của VGC, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết cơ quan này có kế hoạch thoái toàn bộ vốn khỏi Viglacera trong năm nay. Tuy nhiên, đến nay mục tiêu này chưa hoàn thành. 

Tại đại hội cô đông bất thường vừa diễn ra, GEX công bố doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế năm 2020 đều đã hoàn thành kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu thuần ước đạt 17.500 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2019, lợi nhuận trước thuế đạt 975 tỷ đồng, vượt 33% so với kế hoạch. 

Bên cạnh việc gia tăng sở hữu tại Viglacera, về hoạt động đầu tư, năm 2020, GEX đã sở hữu Công ty Dây Đồng Việt Nam (CFT). 

Ngoài các dự án năng lượng đã đi vào vận hành và phát điện, trong năm 2020, GEX cũng đã hoàn thành đầu tư các dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 18MW.

Tại đại hội, lãnh đạo GEX cho biết hướng tới mục tiêu trở thành công ty quản lý vốn (holdings) tư nhân chuẩn mực, phát triển trên hai trụ cột là sản xuất công nghiệp và hạ tầng. Trong đó, mở rộng đầu tư vào mảng hạ tầng, tập trung đẩy mạnh đầu tư các dự án năng lượng tái tạo và các dự án bất động sản, đầu tư nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất kinh doanh mảng sản xuất công nghiệp.

Đại hội cũng thảo luận phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu để tăng vốn điều lệ của GEX.

Cụ thể, HĐQT GEX đã trình đại hội thông qua phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, theo tỷ lệ 10:6. Số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 292,9 triệu cp, mức giá chào bán là 12.000 đồng/cổ phiếu. Nếu thương vụ diễn ra thuận lợi, GEX dự kiến sẽ huy động tối đa hơn 3.500 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên hơn 7.800 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành trước tháng 6/2021.

Với số tiền huy động được, GEX sẽ đầu tư 1.800 tỷ đồng vào các dự án điện gió tại tỷnh Quảng Trị, bao gồm: Nhà máy điện gió Hướng Phùng 2&3 và các dự án Nhà máy điện gió Gelex 1,2,3 tại huyện Hướng Hoá với tổng công suất 140 MW.

Đồng thời, GEX sẽ đầu tư 500 tỷ đồng trong số tiền vốn huy động để triển khai dự án “Tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê” tại số 10 Trần Nguyên Hãn và 27 – 29 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Dự án có tổng vốn đầu tư trên 2.100 tỷ đồng, đang được giải phóng mặt bằng và chuẩn bị triển khai khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.

Cũng trong số vốn tăng thêm, GEX sẽ dành 800 tỷ đồng để tái cơ cấu tài chính và bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho Công ty cổ phần Thiết bị điện Gelex (Gelex Electric). Ngoài ra, GEX cũng sẽ bổ sung 415 tỷ đồng vào nguồn vốn lưu động ròng, phục vụ nhu cầu mua sắm vật tư tập trung tăng thêm trong năm 2021.

Tin Cùng Chuyên Mục