Ngày pháp luật

Garmex Sài Gòn (GMC): Lỗ luỹ kế hơn 100 tỷ, Garmex Sài Gòn tiếp tục lên kế hoạch lỗ năm 2025, trình cổ đông lấn sân loạt ngành nghề mới từ thể thao đến nhà hàng

Khánh Ly

CTCP Garmex Sài Gòn (Mã CK: GMC - HOSE) vừa công bố tài liệu chuẩn bị cho Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025, dự kiến tổ chức vào ngày 28/04 tới đây tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tiếp tục đặt mục tiêu lỗ, lỗ luỹ kế vượt 100 tỷ đồng

Theo tài liệu trình ĐHĐCĐ, năm 2025, Garmex Sài Gòn đặt mục tiêu doanh thu chỉ vỏn vẹn 1,7 tỷ đồng, thậm chí còn thấp hơn mức thực hiện 2,1 tỷ đồng của năm 2024. Đáng ngại hơn, Công ty tiếp tục lên kế hoạch lỗ trước thuế 42,5 tỷ đồng, cao hơn khoản lỗ 40,2 tỷ đồng của năm trước.

Kết quả kinh doanh năm 2024 của GMC cũng không mấy khả quan khi cả doanh thu và lợi nhuận đều không đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân được Công ty lý giải là do chưa thể giao được lô hàng tủ vải tồn kho và việc thanh lý tài sản không diễn ra như dự kiến trình ĐHĐCĐ trước đó. Tính đến cuối năm 2024, lỗ luỹ kế của Garmex Sài Gòn đã phình to lên mức 103,8 tỷ đồng, bào mòn đáng kể vốn chủ sở hữu.

Tìm cách xoay sở: Từ bán tài sản, kinh doanh nhà thuốc đến thúc nợ dự án

Để đối phó với tình hình khó khăn và hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong năm 2025, Garmex Sài Gòn đề ra loạt giải pháp. Công ty sẽ tiếp tục chính sách "thắt lưng buộc bụng", tiết giảm tối đa chi phí, đồng thời tăng cường công tác bảo quản tài sản hiện có.

Bên cạnh đó, GMC dự kiến sẽ hợp tác với các đối tác để khai thác các mặt bằng sẵn có nhằm tạo thêm nguồn thu, thúc đẩy đối tác nhận hàng tồn kho. Một nhiệm vụ quan trọng khác là đẩy nhanh các thủ tục pháp lý cần thiết để chuyển nhượng, bán các tài sản không có nhu cầu sử dụng nhằm thu hồi vốn. Hoạt động kinh doanh nhà thuốc tại địa chỉ 213 Hồng Bàng cũng sẽ được duy trì.

Ngoài ra, Garmex Sài Gòn cho biết sẽ tiếp tục theo dõi và thúc đẩy CTCP Phú Mỹ hoàn thành Dự án nhà ở Phú Mỹ để có thể bán sản phẩm, qua đó thu hồi khoản vốn đầu tư vào dự án này.

Ngành may khó khăn, chuẩn bị "lấn sân" loạt ngành nghề mới

Dù xác định ngành may vẫn là ngành nghề kinh doanh chính, ban lãnh đạo GMC thừa nhận ngành này đang đối mặt với vô vàn thách thức. Sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia có chi phí nhân công rẻ như Bangladesh, cùng với việc các doanh nghiệp Việt Nam còn chậm chân trong quá trình "xanh hoá" sản xuất theo yêu cầu của các thị trường lớn, đang tạo ra áp lực nặng nề.

Trong bối cảnh đó, để tìm kiếm hướng đi mới và khai thác hiệu quả mặt bằng hiện có, Hội đồng quản trị GMC sẽ trình cổ đông xem xét, thông qua việc bổ sung một loạt ngành nghề kinh doanh mới vào giấy phép đăng ký kinh doanh. Đáng chú ý, danh mục đề xuất mở rộng khá đa dạng, bao gồm từ bán lẻ thiết bị, dụng cụ thể dục, thể thao trong các cửa hàng chuyên doanh, hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ, đến các lĩnh vực liên quan đến ẩm thực như nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động, dịch vụ ăn uống khác. Bên cạnh đó, công ty còn nhắm đến các mảng tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại, giáo dục thể thao và giải trí, hoạt động của các cơ sở thể thao và các hoạt động thể thao khác. Động thái này cho thấy nỗ lực rõ ràng của Garmex Sài Gòn trong việc đa dạng hóa nguồn thu, tìm kiếm "cửa sáng" khi ngành kinh doanh cốt lõi liên tục gặp khó và tình trạng thua lỗ kéo dài chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Tin Cùng Chuyên Mục