Ngày pháp luật

Gạo Việt rộng cửa vào châu Âu

Theo Tuổi Trẻ

Thuế gạo vào EU về 0%, thay cho mức thuế thấp nhất lên tới 65 eur/tấn và cao nhất lên tới 211 eur/tấn như trước, nhiều doanh nghiệp khẳng định giá gạo Việt sẽ cạnh tranh và rộng cửa vào thị trường EU.

Dù theo cam kết của Hiệp định EVFTA, EU chỉ mới dành ưu đãi 0% cho 80.000 tấn gạo Việt, thấp hơn nhiều so với khả năng cung ứng của Việt Nam - lên tới 3 triệu tấn gạo thơm mỗi năm, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng đây là khởi đầu tốt cho sản phẩm gạo Việt chất lượng cao cũng như các loại gạo thơm. 

Nếu được người tiêu dùng EU đánh giá cao và tiêu thụ tốt, gạo thơm, gạo chất lượng cao của Việt Nam cũng sẽ được thị trường khó tính khác quan tâm hơn.

Công nhân đưa gạo lên tàu ở cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang để vận chuyển đi xuất khẩu - Ảnh: BỬU ĐẤU
Công nhân đưa gạo lên tàu ở cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang để vận chuyển đi xuất khẩu - Ảnh: BỬU ĐẤU

Không lo thiếu gạo thơm

Bà Nguyễn Thị Hai (xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) cho biết từ năm 2018, gia đình bà đã chuyển 2ha lúa sang làm giống lúa OM 5451, do giá lúa này luôn cao hơn 300 - 500 đồng/kg so với giống lúa khác. Chẳng hạn với vụ hè thu này, giá lúa OM 5451 tăng mạnh, có lúc thương lái mua đến 5.750 đồng/kg.

"Giá lúa đang rất tốt. Nếu được xuất sang châu Âu, tôi hy vọng giá lúa sẽ còn tăng, để nông dân tụi tui bớt cơ cực. Đấy là điều rất đáng mừng", bà Hai nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Quang (xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng) cho biết gia đình ông đã trồng lúa thơm ST20 tám năm nay, được doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu nên lợi nhuận cao hơn trồng lúa thường dao động 3-10 triệu đồng/ha. 

"Vụ đông xuân này tôi dự kiến làm 3ha lúa thơm ST24. Nếu sắp tới xuất khẩu được sang thị trường EU, giá lúa thơm sẽ tăng, còn gì vui hơn" - ông Quang chia sẻ.

Theo ông Lương Minh Quyết - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, trong 9 giống lúa thơm có đến 7 giống đang được gieo, cấy ở địa phương này, trong đó nhiều giống lúa được nông dân trồng nhiều năm qua. Tuy nhiên để sản xuất bền vững với sản lượng ổn định, không riêng gì Sóc Trăng mà các tỉnh ĐBSCL cần tổ chức lại sản xuất bài bản, liên kết tiêu thụ. 

"Phải xây dựng được những đầu mối lớn, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân thì họ mới gắn kết, tạo ra sản phẩm gạo thơm chất lượng" - ông Quyết nhấn mạnh.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hiền - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh An Giang - cho biết hơn phân nửa số giống lúa thơm trong danh sách được xuất khẩu gạo sang EU, tỉnh này cũng có nhiều loại giống được trồng với diện tích lớn. Trong đó nhiều nhất là giống OM 5451, có vụ sản xuất được trên 45.000ha, chiếm khoảng 20% tổng diện tích lúa của địa phương này.

Một doanh nghiệp đưa gạo lên tàu để xuất khẩu - Ảnh: BỬU ĐẤU
Một doanh nghiệp đưa gạo lên tàu để xuất khẩu - Ảnh: BỬU ĐẤU

Cơ hội cho gạo chất lượng cao

Bà Võ Thị Phỉ - giám đốc Công ty TNHH lương thực Tấn Vương (An Giang) - cho biết công ty này đang có vùng nguyên liệu hơn 4.000ha trồng lúa hữu cơ, lúa sinh thái ở An Giang và Cà Mau. Thời gian qua gạo của công ty đã xuất sang Đức, Pháp. Dự kiến vào đầu năm sau doanh nghiệp này sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu tại EU, trong đó vẫn ưu tiên hai thị trường truyền thống là Đức và Pháp.

Trong khi đó, nhiều năm qua Công ty TNHH Angimex - Kitoku (AKJ) đã sản xuất lúa Nhật theo quy trình, tiêu chuẩn riêng, vẫn xuất khẩu sang thị trường châu Âu và nhiều nước trên thế giới. Doanh nghiệp này cũng đã xây dựng vùng nguyên liệu 4.000ha/năm, chế biến và xuất khẩu sang nhiều nước với sản lượng khoảng 10.000 tấn gạo/năm.

Theo bà Trần Ngọc Châu - phó giám đốc Công ty AKJ, dù tiêu chuẩn GlobalGAP và tiêu chuẩn sản xuất lúa Nhật không giống nhau nhưng sản phẩm gạo từ lúa Nhật được theo quy trình riêng vẫn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, kể cả những thị trường khó tính. 

"Không phải đợi đến khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực mới xuất khẩu vào thị trường khó tính, mà chúng tôi đã xuất đi nhiều năm nay rồi. Nhưng việc EU mở cửa cho các sản phẩm gạo Việt Nam vẫn là tin vui với bà con nông dân trồng lúa cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu gạo" - bà Châu nói.

Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho biết rất tiếc khi "cặp song sinh gạo ST24 và ST25" không có tên trong danh sách 9 giống lúa thơm được phép xuất khẩu gạo sang EU. Theo các doanh nghiệp, chất lượng hai loại gạo thơm này không có gì bàn cãi, nhưng sản lượng vụ hè thu không nhiều. Từ vụ đông xuân tới đây, ST24 và ST25 sẽ được sản xuất đại trà, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn có khả năng xuất khẩu.

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng bên cạnh hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng cần đa dạng các sản phẩm chế biến từ gạo, đặc biệt đừng quên thị trường nội địa gần 100 triệu dân. 

"Sau khi đoạt giải gạo ngon nhất thế giới, gạo ST25 đã không đủ bán do nhiều người thích và tìm mua, mà chưa cần xuất khẩu" - một chuyên gia nói.

Liên kết sản xuất và tiêu thụ gạo sạch

Ông Trương Kiến Thọ - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang - cho biết với diện tích gieo trồng lúa hằng năm trên 600.000ha, sản lượng lúa hằng năm của địa phương này đạt khoảng 4 triệu tấn, duy trì sản lượng xuất khẩu 500.000 - 600.000 tấn gạo/năm. Trong thời gian tới tỉnh này đặt mục tiêu tổ chức lại sản xuất ngành lúa gạo theo chuỗi giá trị, tiến tới sản xuất sạch, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, tăng giá trị sản xuất, giúp nông dân tăng thu nhập.

Đặc biệt, An Giang cũng sẽ vận động nông dân trồng các loại giống lúa thơm nhưng với điều kiện bắt buộc phải có doanh nghiệp liên kết đồng hành tiêu thụ. Cụ thể đang mời gọi doanh nghiệp và củng cố các tổ hợp tác, HTX... phối hợp cùng nông dân sản xuất lúa theo chuẩn xuất khẩu châu Âu. 

"Việc gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ đảm bảo việc sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường thông qua hình thức chuỗi liên kết" - ông Thọ cho biết.

Theo Cục Trồng trọt, diện tích lúa thơm tại ĐBSCL đang chiếm khoảng 25% diện tích gieo cấy (tương đương 1 triệu ha) hằng năm, với sản lượng ước đạt 5,5 triệu tấn, tương đương khoảng 3,5 triệu tấn gạo thơm. Trong khi theo Hiệp định EVFTA, lượng gạo thơm xuất sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi về thuế quan là 30.000 tấn, chỉ chiếm khoảng 1% lượng gạo thơm sản xuất của vùng. Do vậy tiềm năng xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam còn rất lớn.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, dù hạn ngạch xuất khẩu gạo thơm sang thị trường EU ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực còn khiêm tốn, nhưng đây là tín hiệu lạc quan với gạo Việt. "Một khi đã lọt qua cửa hẹp vào thị trường khó tính như châu Âu, hạt gạo thơm Việt Nam có nhiều cơ hội vào những thị trường khác như Nhật, Mỹ" - ông Lương Minh Quyết cho biết.

Một chuyên gia nông nghiệp nhận định nếu thực hiện tốt các quy định của EU, xuất khẩu được 30.000 tấn gạo thơm nói riêng và 80.000 tấn gạo nói chung theo hạn ngạch sang EU với giá cao, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo của Việt Nam trên thị trường khó tính như EU và thế giới. 

"Đây cũng là cơ sở để Việt Nam có thể đàm phán mở rộng hạn ngạch xuất khẩu gạo thơm vào thị trường EU trong thời gian tới", vị này nói.

Giá lúa khu vực ĐBSCL tăng mạnh

Giá lúa tại khu vực ĐBSCL từ đầu năm 2020 đến nay tăng đều và bắt đầu tăng mạnh trong tháng 9-2020. Ngày 11-9, thương lái mua lúa tươi giống OM 5451 với giá 5.700 đồng/kg, Đài thơm 6.200 đồng/kg, tăng gần 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm rồi.

Tuy nhiên, theo nông dân trồng lúa, do vụ lúa hè thu năng suất không bằng vụ đông xuân, chi phí cao hơn nên sau khi trừ chi phí, lợi nhuận chỉ còn khoảng 12-15 triệu đồng/ha.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục