Ngày pháp luật

Gần 21.000 tỷ rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam qua các quỹ ETF từ đầu năm

Hà Linh

Dòng vốn rút ra khỏi các ETF là một trong những yếu tố góp phần tạo nên giai đoạn bán ròng kỷ lục của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2024.

Theo báo cáo cập nhật đến ngày 4/10 của SSI Research, dòng vốn ETF rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm lên đến hơn 20.500 tỷ đồng. Hầu hết các ETF ngoại đều bị rút vốn. Trong đó, Fubon Vietnam ETF là ETF bị rút ròng gần 5.200 tỷ, theo sau là FTSE Vietnam ETF với hơn 1.300 tỷ đồng từ đầu năm.

Nhóm ETF nội có sự phân hoá rõ rệt. Trong đó, DCVFM VNDiamond ETF là ETF nội bị rút ròng mạnh nhất thị trường với giá trị gần 8.400 tỷ đồng. Theo sau lần lượt là SSIAM VNFinLead ETF (2.000 tỷ) và DCVFM VN30 ETF (1.800 tỷ). Ngược lại, KIM Growth VN30 ETF là điểm sáng khi hút ròng hơn 900 tỷ, DCVFM VNMidcap ETF cũng hút ròng 129 tỷ đồng từ đầu năm.

Gần 21.000 tỷ rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam qua các quỹ ETF từ đầu năm - Ảnh 1

Xu hướng rút vốn khỏi các quỹ ETF trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã kéo dài 11 tháng liên tiếp, kể từ tháng 11/2023 đến nay. Đây là một trong những yếu tố góp phần tạo nên giai đoạn bán ròng kỷ lục của khối ngoại thời gian qua. Từ đầu năm, khối ngoại đã có 8 tháng liên tiếp xả hàng, tổng giá trị luỹ kế lên đến hơn 65.000 tỷ đồng trên HoSE.

Dù vậy, đà bán ròng đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi lập kỷ lục vào giai đoạn tháng 5-6. Giá trị bán ròng liên tiếp giảm mạnh trước khi xu hướng có dấu hiệu đảo chiều trong những ngày đầu tháng 10. Việc cởi bỏ nút thắt prefunding sau Thông tư 68/2024/TT-BTC (hiệu lực từ ngày 2/11 cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được đặt lệnh mua cổ phiếu không yêu cầu đủ tiền) giúp Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu nâng hạng được đánh giá có tác động tích cực đến dòng vốn ngoại.

Gần 21.000 tỷ rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam qua các quỹ ETF từ đầu năm - Ảnh 2

Bên cạnh đó, chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ đã được thu hẹp, áp lực tỷ giá USD/VND cũng vơi bớt sau khi Fed quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 9. Dragon Capital cho rằng, đây sẽ là yếu tố tạo tiền đề cho lãi suất huy động và cho vay tại Việt Nam ổn định hơn.

Trong một động thái tương tự, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) mới đây đã công bố các chính sách để hỗ trợ nền kinh tế có quy mô lớn nhất từ đại dịch Covid 19 tới nay. Chứng khoán Agriseco kỳ vọng các quốc gia khác trong khu vực bao gồm Việt Nam có thể tiếp tục duy trì và tăng cường các chính sách nới lỏng tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài rút ròng mạnh thời gian qua nhưng nhiều quỹ ngoại lớn trên thị trường vẫn đánh giá lạc quan về triển vọng của chứng khoán Việt Nam. Theo ông Petri Deryng, người đứng đầu của quỹ Pyn Elite Fund, những yếu tố không chắc chắn đang được thay thế bằng kỳ vọng tích cực về tăng trưởng thu thập của doanh nghiệp trong những năm tới.

Đồng thời, các chính sách tiền tệ trên toàn thế giới đã có bước chuyển biến tích cực. Thêm vào đó, rủi ro là tăng trưởng thu thập của các doanh nghiệp Việt Nam đã thấp hơn dự báo. Ông Petri Deryng cho rằng, khi tốc độ tăng trưởng thu nhập của các công ty niêm yết tăng tốc trở lại, P/E của VN-Index dự phóng năm 2024 sẽ ở mức 11,9 lần và sẽ tiếp tục giảm xuống 9,9 lần vào năm 2025.

Gần 21.000 tỷ rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam qua các quỹ ETF từ đầu năm - Ảnh 3

“Rất có khả năng thị trường chứng khoán không thể duy trì ở mức định giá thấp như vậy trong một thời gian dài và tăng trưởng thu nhập sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán đi lên. Thị trường chứng khoán thậm chí có thể chứng kiến những đợt tăng giá khá đáng kể vì cả nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có thể tăng mức đầu tư của họ vào Việt Nam”, người đứng đầu Pyn Elite Fund nhấn mạnh.

Tin Cùng Chuyên Mục