Ngày pháp luật

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei chính thức 'lấn sân' sang lĩnh vực khai khoáng

Hải Đăng

Bằng việc ứng dụng công nghệ 5G, AI và thương mại hóa hệ điều hành MineHarmony, hãng công nghệ viễn thông lớn nhất Trung Quốc Huawei tuyên bố có thể điều khiển việc khai thác than từ xa và đưa ngành khai khoáng này bước sang một trang hoàn toàn mới.

Ngày 9/11, Huawei chính thức công bố hệ điều hành MineHarmony bước vào giai đoạn ứng dụng thương mại trên diện rộng, sau một năm kể từ khi được thương mại hóa. Cùng với 5G + AI, MineHarmony sẽ đưa hoạt động khai thác mỏ thông minh sang một chương mới.

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei chính thức 'lấn sân' sang lĩnh vực khai khoáng - Ảnh 1

Phát biểu tại Huawei Connect 2022, ông Hu Houkun, Chủ tịch luân phiên của Huawei, đã nhấn mạnh việc Huawei hiện đang tập trung đầu tư thời gian và chất xám vào việc hợp tác cùng các đối tác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp và tận dụng tối đa khả năng đó.

"5G có thể được sử dụng để vận hành các công cụ điều khiển từ xa, cho phép các công nhân khai thác than di chuyển ra khỏi môi trường làm việc khắc nghiệt dưới lòng đất và làm việc từ văn phòng. Điều này giúp cải thiện đáng kể môi trường làm việc và sự an toàn của toàn bộ mỏ than”, ông Hu cho biết.

An toàn là mục tiêu đầu tiên của dự án, trong bối cảnh điều kiện làm việc tại các mỏ than vốn rất khắc nghiệt. Huawei tuyên bố, công nghệ điều khiển từ xa cho phép công nhân đi bộ từ môi trường làm việc khắc nghiệt dưới lòng đất đến giếng. Sự hỗ trợ của 5G + AI cho phép việc điều khiển hệ thống khai thác từ xa và chính xác, từ đó tạo điều kiện cho các kĩ sư điều khiển các hoạt động dưới lòng đất ngay tại văn phòng. Thông qua đó, môi trường làm việc của các kỹ sư được cải thiện và đảm bảo an toàn. Ông Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi), Tổng giám đốc tập đoàn Huawei từng mô tả, công nghệ mới sẽ cho phép các công nhân than “làm việc trong bộ vest và cà vạt”.

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei chính thức 'lấn sân' sang lĩnh vực khai khoáng - Ảnh 2

Với việc 5G hỗ trợ truyền tải video theo thời gian thực và các thuật toán AI xác định chính xác các điểm bất thường, hệ thống này sẽ biến công việc kiểm tra thủ công theo lịch trình thành hoạt động giám sát thông minh 24/7, ngoài ra còn cắt giảm 20% số lượng nhân viên kiểm tra dưới lòng đất.

Hệ điều hành MineHarmony là thành quả sáng tạo chung của Huawei và Tập đoàn Đầu tư Năng lượng Trung Quốc (China Energy). Đến nay, hệ điều hành này đã được triển khai trên 3.300 bộ thiết bị tại 13 mỏ và một trạm rửa than đá.

Đặc biệt, MineHarmony còn được triển khai trên toàn bộ mỏ Wulanmulun (còn gọi là mỏ Ulan Moran) ở khu vực Nội Mông, đạt được nhiều tiến bộ đáng kể về kết nối, giao diện và truy cập dữ liệu. Hệ điều hành cung cấp vô số các kịch bản sáng tạo, bao gồm trình điều khiển thiết bị thông minh, tuần tra tự động các địa điểm cố định và nâng cấp thiết bị trực tuyến, với thời gian từ một ngày được rút ngắn xuống chỉ còn trong 4 phút.

Trong quá trình số hóa và chuyển đổi số cho ngành khoáng thông minh, thách thức đầu tiên đối với bất kỳ hầm mỏ nào là thiết lập tính liên kết và khả năng tương tác của thiết bị với khả năng truy cập dữ liệu. Chìa khóa của bài toán này là tìm ra các công nghệ mạng phù hợp nhất. Huawei đã đưa thế mạnh về 5G cùng kết nối quang học đầy đủ với FTTM và IPv6 + vào trong hầm mỏ. Những công nghệ này đều có độ trễ thấp và độ tin cậy cao, rất lý tưởng cho nhiều tình huống từ kết nối video đến điều khiển thiết bị từ xa.

Các mỏ than dưới lòng đất được lắp đủ loại thiết bị và máy móc chạy trên các giao thức khác nhau, do đó, việc tìm cách kết nối tất cả là một thách thức lớn. Để thực hiện điều này, đội ngũ Khai khoáng của Huawei và China Energy đã hợp tác với hơn 30 đối tác để phát triển MineHarmony - hệ điều hành Internet Vạn Vật (IoT) đầu tiên trong lĩnh vực khai khoáng, chỉ trong vòng 3 tháng.

Là hệ điều hành IoT tân tiến hàng đầu, MineHarmony không chỉ cung cấp các giao thức thống nhất cho các thiết bị khác nhau, mà còn đơn giản hóa quy trình hoạt động nhờ vào việc kiểm tra không cần giám sát. Hệ điều hành ứng dụng cho mọi thiết bị ở mọi kích cỡ với  các giao thức được sử dụng thống nhất, cho phép dữ liệu được chia sẻ giữa các thiết bị và xây dựng kết nối giữa người dùng với các thiết bị.

Việc thương mại hóa trên diện rộng hệ điều hành MineHarmony là thành quả lớn đối với Huawei trong bối cảnh dự án diễn ra thần tốc. Đội ngũ Khai khoáng của Huawei (Huawei’s Mine Team), đơn vị được giao phụ trách dự án, mới được thành lập từ tháng 10/2021 với khẩu hiệu “không rút lui là con đường tới thắng lợi”.

Mọi chuyện không hề dễ dàng đối với Huawei kể từ khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với công ty cách đây hơn 4 năm và tương lai cũng không thật sự tươi sáng với doanh thu của công ty giảm 2,2% so với năm ngoái. "Có thể thấy, Huawei đang gặp khó khăn trong kinh doanh do lệnh trừng phạt của Mỹ và các công ty nước ngoài khác. Vì vậy, họ đang tìm kiếm một mô hình kinh doanh mới để khôi phục khỏi tình cảnh tồi tệ”, Wu Haifeng, Giám đốc điều hành Viện Kinh tế Dữ liệu Thâm Quyến (Trung Quốc) nhận định.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có rất nhiều thách thức đối với Huawei trong tương lai, khi công ty chuyển mình từ một doanh nghiệp công nghệ viễn thông sang nhiều lĩnh vực khác không phải sở trường. Tới nay, Huawei đã tung ra hơn 40 giải pháp cho tài chính, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, năng lượng và các ngành khác, như một cách để thúc đẩy năng suất kỹ thuật số của mình.

Tin Cùng Chuyên Mục