Ngày pháp luật

FPT Retail (FRT) gia nhập ngành hàng điện máy, muốn mở 50 cửa hàng trong năm nay

An An

Động thái này đánh dấu sự đầu tư của hệ thống trong chiến lược đầu tư và phát triển lĩnh vực điện máy, gia dụng. 

FPT Retail gia nhập ngành hàng điện máy

Chuỗi bán lẻ điện thoại, laptop FPT Shop của Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT - FPT Retail (mã ck: FRT) vừa đồng loạt khai trương 10 cửa hàng điện máy tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, cửa hàng điện máy sẽ là một gian bên cạnh ngành hàng ICT. 

Động thái này đánh dấu sự đầu tư của hệ thống trong chiến lược đầu tư và phát triển lĩnh vực điện máy, gia dụng. 

Mỗi cửa hàng có quy mô diện tích hơn 200 m2 cùng danh mục hơn 200 mẫu mã sản phẩm điện máy, gia dụng đến từ 30 thương hiệu. Công ty dự kiến nâng tổng số cửa hàng điện máy lên 50 điểm trong năm 2024. 

Bên cạnh đó, hệ thống cũng triển khai hợp tác chiến lược với các thương hiệu điện máy, gia dụng hàng đầu như Samsung, LG, Casper, Toshiba, Xiaomi, Daikin, TCL, Aqua, Sharp, Midea, Hisense... nhằm đảm bảo mang đến tay khách hàng những sản phẩm chính hãng, chất lượng với mức giá tối ưu nhất.

FPT Shop gia nhập vào thị trường điện máy từ đầu năm 2024, sau hơn 7 tháng thử nghiệm và đi vào hoạt động, hệ thống quyết định mở rộng quy mô và đầu tư vào ngành hàng này khi nhận thấy nhu cầu khách hàng và thị trường vốn còn nhiều dư địa phát triển.

Ganh đua cùng đối thủ MWG

Việc mở rộng sang ngành hàng điện máy cũng khiến sự cạnh tranh giữa FPT Retail và Thế giới Di động (mã ck: MWG) thêm gay cấn. Hai doanh nghiệp bán lẻ này vốn đã “rượt đuổi” nhau ở lĩnh vực bán lẻ công nghệ (ICT) và dược phẩm.

Trong đó, ICT là lĩnh vực mà hai bên đầu tư mạnh mẽ và đóng góp lớn cho sự tăng trưởng kết quả kinh doanh. Tuy nhiên những năm gần đây, thị trường điện thoại, máy tính bão hoà dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và không còn đủ sức hấp dẫn để các doanh nghiệp bất chấp lao vào tranh giành thị phần.

Do đó, hai doanh nghiệp đều tái cấu trúc và thu hẹp chuỗi bán lẻ ICT. Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, chuỗi Thế giới di động (bao gồm Topzone) của MWG còn 1.046 cửa hàng, giảm 24 cửa hàng so với cuối tháng 5/2024 và giảm 134 cửa hàng so với thời điểm cuối tháng 6/2023.

Chuỗi FPT Shop của FPT Retail đã đóng 113 cửa hàng trong nửa đầu năm 2024, đưa số cửa hàng này xuống 642 cửa hàng tại thời điểm cuối tháng 6/2024.

Hiện, mảng kinh doanh điện máy, đồ gia dụng là sân chơi chủ yếu của những hệ thống lớn như Media Mart, Điện Máy Xanh, Điện máy Chợ Lớn hay HC, Nguyễn Kim. Trong đó, Điện Máy Xanh vẫn là chuỗi có quy mô lớn nhất với 2.093 cửa hàng trên toàn quốc tính đến giữa năm nay.

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, lãnh đạo FPT Retail cho biết mảng gia dụng, điện máy hiện chiếm dưới 5% doanh thu chuỗi FPT Shop.

“Mục tiêu tới là tiếp tục đẩy mạnh, chúng tôi là người chơi mới nên tốc độ tăng trưởng cao 50-100%, có thể lên đến tỷ trọng 10% doanh thu trong năm nay, còn kết quả thực tế tùy từng mùa cao điểm, từng mặt hàng", ông Hoàng Trung Kiên, CEO FPT Retail, chia sẻ.

Trong báo cáo phân tích triển vọng ngành bán lẻ ICT/CE phát hành hồi tháng 6/2024, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, các sản phẩm máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại, điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, ti vi đang bước vào giai đoạn bão hòa, thể hiện bằng tỷ lệ thâm nhập cao và doanh số bán hàng trì trệ.

Theo VDSC, tỷ lệ thâm nhập ICT/CE tại Việt Nam gần đạt đến mức trần hoặc tương đối cao so với các nước ở Đông Nam Á. Điều đó có nghĩa, các lĩnh vực này dự báo chỉ đạt mức tăng trưởng một con số nhờ sự hỗ trợ của xu hướng cao cấp hóa (sự gia tăng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam) cùng với chu kỳ thay thế (2-4 năm đối với các sản phẩm ICT, 4 -9 năm đối với CE) trong trung hạn sau pha tăng trưởng mạnh 2013-2023.

Bên cạnh đó, thói quen tiêu dùng thay đổi nhanh chóng từ cửa hàng sang trực tuyến gây tổn hại lớn cho các nhà bán lẻ ICT/CE chủ yếu phụ thuộc vào chuỗi cửa hàng vật lý như MWG, FRT. 

Tin Cùng Chuyên Mục