Hôm chủ nhật 29/9, Forever 21 thông báo đã nộp đơn phá sản để tái cấu trúc kinh doanh.
Đây là kết quả được báo trước, khi Forever 21 cũng như nhiều hãng bán lẻ vật lý khác ở Mỹ, đang ngày càng sa sút trước sự bành trướng của thương mại điện tử.
Tâm lý của người tiêu dùng đã thay đổi sâu sắc, giờ đây họ ưa chuộng mua hàng online hơn là đến các trung tâm thương mại. Hệ quả là làn sóng phá sản đang càn quét ngành bán lẻ Mỹ. Hầu hết hãng bán lẻ đều gặp khó khăn vì doanh số bán ra giảm, lại phải chi thêm tiền cho công nghệ để cạnh tranh với các thương hiệu trực tuyến.
Đối với Forever 21, việc nộp đơn phá sản sẽ giúp công ty loại bỏ những cửa hàng không mang lại lợi nhuận và tái cơ cấu lại nguồn vốn của doanh nghiệp. "Chúng tôi tin rằng đây là con đường đúng đắn với khả năng kinh doanh dài hạn của mình. Sau tái cấu trúc, Forever 21 sẽ là công ty vững mạnh hơn" - họ cho biết.
Tuy nhiên, việc phá sản cũng gây khó khăn cho các chủ sở hữu trung tâm thương mại như Simon Property và Brookfield Property Partners. Forever 21 là một trong những khách hàng lớn nhất của các đơn vị này, chẳng hạn như là khách hàng quan trọng thứ 6 của Simon Property với 99 cửa hàng trên toàn nước Mỹ. Một khi Forever 21 đóng hàng loạt cửa hàng, các trung tâm thương mại sẽ rơi vào tình trạng bỏ trống.
Được thành lập năm 1984, Forever 21 vận hành 800 cửa hàng trên khắp nước Mỹ, châu Âu, Á và Mỹ Latinh. Sau 35 năm nhiều thăng trầm, hãng thời trang giá rẻ này vẫn thuộc sở hữu của hai vợ chồng nhà sáng lập gốc Hàn Jin Sook và Do Won "Don" Chang.
Jin Sook và Don Chang - hai vợ chồng nhà sáng lập
Thời kỳ đỉnh cao, ông bà Chang từ những người lao động nghèo khổ vươn lên trở thành cặp đôi giàu có hàng đầu nước Mỹ, tổng giá trị tài sản ước tính chạm mức 5,9 tỷ USD (vào tháng 3/2015). Nhưng đến giờ, mỗi người họ chỉ còn sở hữu khoảng 800 triệu USD, mất danh tỷ phú đô la và đối mặt nhiều khó khăn phía trước. Câu chuyện khởi nghiệp đầy cảm hứng của họ đã khép lại một chương buồn và để lại bài học cho nhiều startup về sau, bởi nhiều năm gần đây, Forever 21 chậm chạp trong việc thích nghi với biến đổi của thị trường thời trang nhanh.