Forbes - tạp chí nổi tiếng với bảng xếp hạng tỷ phú USD, mới đây đã bất ngờ có những thông tin cập nhật liên quan tới 2 doanh nhân người Việt là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Masan MSN+2.8%, và ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank.
Tuy chưa cập nhật con số tài sản cụ thể mà 2 doanh nhân này sở hữu, những thông tin cá nhân cũng như hoạt động kinh doanh đầu tiên của cả 2 đã được tạp chí này thống kê. Mô tả ban đầu của Forbes về 2 vị doanh nhân này có điểm chung đều là doanh nhân tự thân, làm giàu từ ngành hàng tiêu dùng và ngân hàng.
Thông tin về 2 đại gia này được xuất hiện cạnh 4 tỷ phú USD Việt Nam trong danh sách trước đó của Forbes gồm ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch HĐQT Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO Vietjet), gia đình ông Trần Bá Dương (Chủ tịch HĐQT Thaco) và ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Hòa Phát).
Hàng năm, Forbes đều công bố danh sách tỷ phú USD thế giới vào đầu tháng 3, thông qua số liệu về các đại gia mà tạp chí này thu thập được từ nhiều nguồn.
|
Những thông tin đầu tiên về 2 vị doanh nhân người Việt được Tạp chí Forbes cập nhật. Nguồn: Forbes. |
Việc có thêm 2 doanh nhân Việt Nam được Forbes cập nhật thông tin kỳ vọng sẽ giúp nâng tổng số tỷ phú Việt có tên trong danh sách này lên con số 6.
Trước đó, trong bảng xếp hạng tỷ phú USD cập nhật tháng 3/2018, Việt Nam đã có thêm 2 tỷ phú USD mới là ông Trần Bá Dương (1,7 tỷ USD) và ông Trần Đình Long (1,3 tỷ USD).
Dự kiến, đầu tháng 3 tới, danh sách tỷ phú thế giới năm 2019 sẽ chính thức công bố.
Nếu chỉ tính tài sản trên sàn chứng khoán, cả ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh đều không nắm giữ trực tiếp số cổ phiếu có giá trị trên 1 tỷ USD.
Là chủ tịch kiêm tổng giám đốc tại Tập đoàn Masan nhưng ông Nguyễn Đăng Quang chỉ nắm giữ trực tiếp 15 cổ phiếu MSN. Cùng với hơn 9,4 triệu cổ phiếu TCB, và 26.449 cổ phiếu MCH, lượng cổ phiếu ông Quang sở hữu hiện có giá thị trường vào khoảng 260 tỷ đồng.
Ông Hồ Hùng Anh cũng chỉ nắm giữ trực tiếp hơn 39,3 triệu cổ phiếu TCB (1,12% vốn ngân hàng), tương đương hơn 1.000 tỷ đồng giá trị.
Tuy nhiên, thông qua người thân và các công ty liên quan, 2 vị doanh nhân này lại liên quan tới khối tài sản trên sàn chứng khoán trị giá hàng tỷ USD.
Cụ thể, 2 cổ đông lớn nhất của Masan hiện nay là Công ty cổ phần Masan sở hữu 31,4% và Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương sở hữu 13,3%.
Một số nguồn tin cho biết, ông Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh chính là 2 cổ đông lớn nhất của Công ty cổ phần Masan với tỷ lệ sở hữu mỗi người khoảng 48%. Nếu tính tỷ lệ sở hữu chéo, 2 vị doanh nhân này hiện liên quan khoảng 15% vốn tại Tập đoàn Masan.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Masan lại là chủ sở hữu 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương. Tập đoàn Masan hiện nay cũng là cổ đông lớn nhất nắm giữ 15% vốn tại Techcombank, khối cổ phần có giá trị thị trường lên tới gần 15.000 tỷ đồng hiện nay.
Những người thân của 2 vị doanh nhân này cũng đang sở hữu khối tài sản nghìn tỷ tại các doanh nghiệp mà 2 ông làm lãnh đạo.
Cụ thể, bà Nguyễn Hoàng Yến (vợ ông Quang) đang sở hữu 3,65% vốn cổ phần Masan, tương đương trên 3.900 tỷ đồng. Như vậy, tổng lượng cổ phần vợ chồng ông Quang có liên quan tại Masan và Techcombank có thể lên tới trên 25.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, những người thân của ông Hồ Hùng Anh đều đang là những cổ đông tại Techcombank. Trong đó, mẹ, vợ, và 2 người con của ông đang nắm tới 16% vốn điều lệ Techcombank, tương đương khoảng 16.000 tỷ đồng theo giá thị trường.
Từng trao đổi với Zing.vn, đại diện Forbes cho biết việc xác định giá trị tài sản các tỷ phú trên thế giới được kết hợp từ phương pháp tính toán khác nhau. Trong đó, tạp chí có định giá tài sản của các tỷ phú dựa trên giá trị cổ phiếu của họ trên các sàn chứng khoán. Ngoài ra là các bất động sản sở hữu, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ của họ.
Nếu tính toán cả lượng cổ phần mà các tỷ phú sở hữu gián tiếp thông qua các công ty gia đình, 2 doanh nhân Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh nhiều khả năng sẽ có tên trong danh sách cập nhật vào tháng 3 tới đây.