Cổ tức tiền mặt cao gấp nhiều lần so với thị giá
Ngày 25/9 tới sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để CTCP Cơ khí Phổ Yên (Fomeco, mã FBC) chốt danh sách nhận cổ tức bằng tiền năm 2022 tỷ lệ 120%, tương đương 1 cổ phiếu được nhận 12.000 đồng. Thời gian thực hiện dự kiến vào ngày 27/10 tới đây.
Với 3,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp dự chi 44,4 tỷ đồng để thanh toán cổ tức trong đợt này. Như vậy, FBC sẽ dành khoảng 67% lợi nhuận sau thuế năm 2022 (66 tỷ đồng) để chia cổ tức cho cổ đông.
Nhìn lại dữ liệu lịch sử, kể từ khi bắt đầu giao dịch từ năm 2017 đến nay, doanh nghiệp này luôn duy trì mức cổ tức tiền mặt cao và đều đặn trên 30% mỗi năm. Tuy nhiên, cổ tức tiền mặt năm 2022 vẫn là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Điều đáng nói, dù mạnh tay chi cổ tức tiền mặt, song thị giá của FBC trên sàn chứng khoán chưa bằng “cốc trà đá”. Chốt phiên 15/9, cổ phiếu FBC vẫn đứng tham chiếu, thị giá “nằm im” tại giá 3.700 đồng/cp từ tháng 5/2022 đến nay. Như vậy, cổ tức năm 2022 của doanh nghiệp này cao gấp 3 lần thị giá.
Kinh doanh ổn định
Cơ khí Phổ Yên được thành lập từ năm 1974 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng và chính thức chuyển đổi thành CTCP từ năm 2003. Các sản phẩm chính Fomeco đang bán ra thị trường bao gồm các loại vòng bi, phụ tùng xe máy, phụ tùng ô tô, con lăn băng tải, phụ tùng cho ngành xây dựng và các sản phẩm cơ khí khác.
Công ty đưa cổ phiếu lên giao dịch tại UPCoM từ tháng 10/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 15.000 đồng/cổ phiếu. Cơ điện Phổ Yên hiện có vốn điều lệ 37 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) nắm giữ 51% vốn.
VEAM là đối tác Việt Nam tham gia góp vốn và thành lập các liên doanh Toyota Việt Nam (VEAM nắm 20%), Honda Việt Nam (VEAM nắm 30%), Ford Việt Nam (25%, thông qua công ty con là VEAM DISOCO), Mekong Auto, Kumba và VEAM Korea.
Điều này tạo lợi thế cho các công ty trực thuộc VEAM, trong đó có FBC. Trong nhiều năm qua, FBC cũng là đối tác chuyên cung cấp phụ tùng cho Honda Việt Nam và các khách hàng lớn khác như Yamaha, Suzuki, Hanwa, Nippo, Piaggio, Panasonic, ...
Động lực quan trọng giúp FBC chi trả cổ tức cao và đều đặn qua từng năm là nhờ kết quả kinh doanh khả quan. Giai đoạn từ 2015 – 2021, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng khá tích cực.
Riêng năm 2022, doanh thu Fomeco đạt 1.310 tỷ đồng, tăng 23% so với thực hiện năm 2021. Lợi nhuận trước thuế, sau thuế năm 2022 của Fomeco đều tăng gấp đôi cùng kỳ lần lượt đạt 82 tỷ và 66 tỷ đồng, EPS cũng cải thiện mạnh từ 5.101 đồng lên 9.942 đồng. Doanh thu và lợi nhuận năm 2022 của FBC đều là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Sang đến năm 2023, Fomeco dự kiến doanh thu đạt 1.138 tỷ đồng, trong đó doanh thu sản xuất công nghiệp đạt 1.057 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng dự kiến đạt 60,2 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận dự kiến giảm 13% và 9% so với mức thực hiện trong năm 2022.