Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Ngãi trải dài bên vùng biển đẹp nhất của huyện Bình Sơn, thuộc Khu đô thị mới Vạn Tường (Khu Kinh tế Dung Quất).
Dự án có quy mô 1.026 ha, trong đó, các hạng mục khởi công bao gồm 4 phân khu khách sạn, resort cao cấp và hai phân khu đô thị biển với tổng mức đầu tư giai đoạn đầu ước tính khoảng 11.000 tỷ đồng.
Được tư vấn bởi Schmidt-Curley Design (Mỹ) – đơn vị thiết kế quy hoạch hàng đầu thế giới, FLC Quảng Ngãi sở hữu điểm nhấn nổi bật là sân golf 18 hố tiêu chuẩn quốc tế ở phía Bắc, các cụm công viên chủ đề ở phía Nam và công viên cây xanh rộng lớn tại trung tâm, tạo thành một hệ sinh thái xanh độc đáo.
Tọa lạc phía mặt biển là các khu resort, khách sạn 5 sao. Những tuyến đường chạy thẳng ra biển được bố trí hệ thống quán bar, câu lạc bộ, kết hợp với quảng trường biển và hệ thống bãi tắm công cộng dành cho du khách và người dân. Khu vực bến du thuyền hiện đại cũng được xây dựng để đưa du khách thăm thú vùng biển Quảng Ngãi cũng như công viên địa chất Lý Sơn.
Bên cạnh đó, các đô thị biển cũng được bố trí hài hoà, đan xen để tạo nên một không gian sống, nghỉ dưỡng kết hợp mua sắm, giải trí đồng bộ và hiện đại.
Chia sẻ về lý do đầu tư dự án, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho biết, FLC Quảng Ngãi là sự tiếp nối của hệ thống quần thể nghỉ dưỡng cao cấp được Tập đoàn FLC triển khai xây dựng tại các vùng miền cả nước, với mục đích "đánh thức những vùng đất tiềm năng".
Nằm ở trung tâm của khúc ruột miền Trung, Quảng Ngãi có vị trí quan trọng trong Vùng Kinh tế trọng điểm Trung Bộ, với các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không thuận tiện và thông suốt.
Quảng Ngãi có hơn 130 km bờ biển và 6 cửa biển lớn, hình thành nên hệ sinh thái đa dạng với những địa danh tuyệt đẹp như Mỹ Khê, Lý Sơn... Những giá trị phi vật thể của hàng trăm di tích và sự giao thoa lâu đời của văn hoá cổ Chăm Pa, Sa Huỳnh cũng tạo nên một diện mạo rất riêng cho khí chất và con người nơi đây.
"Tuy nhiên, những vẻ đẹp này dường như vẫn chưa đủ để đưa Quảng Ngãi trở thành một điểm đến đặc sắc, trong bối cảnh tỉnh còn rất thiếu thốn về cơ sở hạ tầng du lịch cũng như sản phẩm du lịch", Tổng Giám đốc FLC nhận xét.
Năm 2018, Quảng Ngãi đón hơn 1 triệu lượt khách, tăng 23% so với năm 2017. Nhưng theo bà Hương Trần Kiều Dung, con số này vẫn còn rất khiêm tốn nếu so sánh với các địa phương lân cận như Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hoà. Tính đến năm 2018, toàn tỉnh chỉ có khoảng gần 300 cơ sở lưu trú với quy mô đa phần là nhỏ lẻ, xuống cấp, trong khi phân khúc cao cấp thì hầu như vắng bóng.
Chính vì vậy, Tập đoàn FLC đã quyết định đầu tư Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Ngãi với mong muốn phát triển nơi đây trở thành một thiên đường nghỉ dưỡng mới, một trung tâm du lịch mới, có tầm vóc quốc tế tại Việt Nam.
Ngay sau khởi công, FLC Quảng Ngãi sẽ được dành tối đa các nguồn lực tập trung thi công triển khai để những hạng mục đầu tiên sẽ được đưa vào khai thác ngay trong năm 2020.
"Cùng với hãng hàng không Bamboo Airways đang chuẩn bị mở đường bay kết nối sân bay Chu Lai với các điểm đến tiềm năng trong nước và quốc tế, chúng tôi tin rằng khi Quần thể nghỉ dưỡng FLC Quảng Ngãi đi vào hoạt động sẽ tạo nên sự đột phá về lượng du khách đến với Quảng Ngãi, cũng như tạo động lực để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn vào tỉnh nhà, góp phần tạo thêm hàng ngàn công ăn việc làm cho người lao động và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", Tổng Giám đốc FLC nhấn mạnh.
Tại đại hội cổ đông FLC mới đây, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết, những năm gần đây FLC đang theo đuổi chiến lược đầu tư vào những tỉnh thành mà du lịch còn chưa được khai phá. Chiến lược này có điểm thuận lợi là rất được các tỉnh chào đón. Ngoài ra, sự xuất hiện của FLC cũng lôi kéo thêm nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, tạo nên hệ sinh thái mà các bên cùng có lợi.