Trong báo cáo triển vọng thị trường mới công bố, FIDT cho rằng sự biến động của thị trường chứng khoán thời gian qua bị tác động bởi nhiều yếu tố, tuy nhiên yếu tố tỷ giá không có tác động quá rõ rệt. Theo thống kê của FIDT, thị trường có xu hướng giảm trong các đợt tỷ giá bật tăng mạnh trong ngắn hạn, tuy nhiên trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 tháng sau khoảng thời gian diễn ra biến động, thị trường chứng khoàn nhìn chung vẫn duy trì xu hướng tăng điểm.
Ngược lại, nguyên nhân có tác động rõ rệt đến thị trường chứng khoán trong ngắn hạn là vấn đề về dòng vốn FII rút khỏi thị trường Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư, ETFs. Các quỹ ETF bị rút ròng rất mạnh trong 1 tháng trở lại đây trong đó dẫn đầu là Fubon và Diamond đã bị rút ròng lần lượt hơn 35,76 triệu đô và 38,6 triệu đô trong 1 tháng. Theo FIDT, đây là xu hướng vốn rút khỏi VN và các thị trường mới nổi quay về Mỹ.
Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân đang đóng vai trò quan trọng trên thị trường. Việc bộ phận nhà đầu tư cá nhân lớn là "con dao hai lưỡi" khi tâm lý của nhóm này có ảnh hưởng rất lớn lên chỉ số, tâm lý hưng phấn thì thị trường tăng mạnh và ngược lại. Đơn cử, việc NHNN phát hành T - Bill với mục đích để cân bằng tỷ giá, chứ không phải mang ý nghĩa đảo chiều chính sách. Tuy nhiên, NĐT cá nhân phản ứng tiêu cực với tin này, cộng hưởng với thông tin cắt giảm margin từ các CTCK lớn, dẫn đến những phiên giảm điểm lao dốc. VN-Index giảm gần 100 điểm chỉ trong một tuần cận cuối tháng 9.
Định giá thực tế không còn quá rẻ
Việc VN-Index sụt giảm đáng kể 8,6% so với mức đỉnh gần nhất 1.245,5 đã giúp đẩy định giá PE toàn thị trường về mức tương đối hấp dẫn 13,x lần. Tuy nhiên, FIDT giữ vững lập trường dòng tiền sẽ tiếp tục có sự phân hóa cao, tập trung tìm đến những doanh nghiệp có câu chuyện, triển vọng riêng rõ ràng trong thời gian tới thay vì “mua ngành nào cũng thắng” như giai đoạn đầu năm.
Theo đội ngũ phân tích, định giá P/B thực tế không còn rẻ dù đã giảm sau đợt chỉnh cuối tháng 9. Thoạt nhìn thì hiện vẫn ở mức cực kỳ hấp dẫn, song NĐT cần lưu ý nhóm ngân hàng và bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong vốn hóa thị trường và định giá P/B của 2 nhóm này hiện tại đa phần vẫn đang nằm ở vùng thấp so với lịch sử. Do đó, nếu loại trừ nhóm ngân hàng và cổ phiếu họ nhà Vingroup (VRE, VIC, VHM) thì định giá P/B của khá nhiều nhóm ngành đã về mức trung bình.
Báo cáo của FIDT chỉ ra những rủi ro có thể tác động với thị trường. Về tổng thể thì các yếu tố như khối ngoại bán ròng, lạm phát tại Mỹ, suy thoái kinh tế thế giới,… đều đang có xác suất ảnh hưởng thấp đi ở thời điểm hiện tại, riêng rủi ro về tỷ giá vẫn cần quan sát thêm. FIDT cho rằng chênh lệch chính sách tiền tệ giữa Việt Nam và Mỹ và các ngân hàng trong nước dư thừa thanh khoản. Việc biên độ dao động của tỷ giá ngoài ngưỡng kiểm soát có thể khiến NHNN dùng các biện pháp đặc biệt để can thiệp, trong đó lo ngại lớn nhất đến từ việc chính sách tiền tệ có thể mạnh tay hơn để giảm bớt căng thẳng.
Thị trường đang ở giai đoạn tốt để giải ngân đầu tư trung và dài hạn
Riêng về triển vọng ngắn hạn, thị trường thiếu đi các tin tức và yếu tố vĩ mô hỗ trợ, những động lực thường được đề cấp trước đó như hạ lãi suất, nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ … đã phản ánh phần lớn vào thị trường, ngược lại các rủi ro về lạm phát, tỷ giá đang ngày càng gia tăng.
Dù vậy xét dài hạn, chu kỳ kinh tế thì Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phục hồi nên xu hướng trung hạn của thị trường là vẫn đi lên. FIDT quan điểm thị trường chứng khoán vẫn đang ở giai đoạn tốt để đầu tư giải ngân cho trung và dài hạn. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy khi phục hồi về vùng định giá trung bình (P/E Vnindex 10 năm), thị trường dễ xảy ra nhiều đợt điều chỉnh mạnh.
Trong tháng 10, với ưu tiên kiểm soát rủi ro hiện hữu ngắn hạn nhưng vẫn lạc quan với vĩ mô Việt Nam trong trung, dài hạn, FIDT khuyến nghị nhà đầu tư có thể thực hiện mua thăm dò, tích lũy cổ phiếu trong giai đoạn thị trường đã giảm về vùng tương đối hấp dẫn. Xu hướng thị trường trong tháng 10 sẽ đi ngang và phân hóa sẽ rõ ràng đối với hai nhóm ngành có câu chuyện như bất động sản khu công nghiệp và xuất nhập khẩu.