Kể từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương đẩy nhanh tiến độ thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng thời tăng nhanh lãi suất điều hành.
Báo cáo từ Cục Thống kê Lao động Mỹ mới đây cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại nước này đã tăng tới 0,4% trong tháng 9 - cao hơn mức dự đoán 0,3% của Dow Jones. Xét trên giai đoạn 12 tháng, lạm phát tổng thể tăng 8,2% trong tháng 9 - thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 9% hồi tháng 6, nhưng vẫn dao động gần mức đỉnh 40 năm. Điều này tiếp tục gây thêm áp lực lên nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Lạm phát vẫn tăng mạnh bất chấp mọi nỗ lực nâng lãi suất quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đến nay, Ngân hàng Trung ương lớn nhất thế giới đã nâng lãi suất tổng cộng 3 điểm phần trăm kể từ tháng 3. Dữ liệu lạm phát tháng 9 tăng cao càng củng cố thêm khả năng Fed nâng lãi suất vào tháng 11.
Nếu điều này xảy ra, đây là lần thứ 6 trong năm và lần thứ 4 liên tiếp Fed tăng lãi suất. Các chuyên gia nhận định, mức lãi suất hiện tại đang cách đỉnh dự đoán trung bình khoảng 1,75-2%, nghĩa là không quá xa nữa.
Tuy nhiên, lãi suất tăng kéo đồng USD cũng mạnh lên và làm cho đồng tiền các nước suy yếu. Chính vì thế, hầu hết ngân hàng trung ương các nước trên thế giới cũng đã tăng lãi suất để rút ngắn khoảng cách với USD.
Fed tăng lãi suất tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính cho biết, tại Việt Nam, mỗi lần Fed tăng lãi suất đều tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND.
Để giảm áp lực này, Ngân hàng Nhà nước đã tăng mạnh lãi suất điều hành thêm 1% bên cạnh việc bán một phần dự trữ ngoại hối. Cùng với đó, ngành ngân hàng đã tăng lãi suất huy động VND lên mức 7 - 8%. Theo ông Thịnh, việc tăng lãi suất điều hành sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng tình với quan điểm của ông Thịnh, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cũng cho biết, về nguyên tắc, khi tỷ giá tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi vì doanh thu đổi ra VND được tăng lên. Tuy nhiên, thực tế khi USD tăng giá, người tiêu dùng các nước thắt chặt chi tiêu khiến đơn hàng sụt giảm.
Dẫu vậy, “với nhiều chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay sẽ ổn định, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong thời gian tới”, ông Việt kỳ vọng.
Gần đây nhất, vào ngày 17/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông cáo nới biên độ tỷ giá đồng USD/VND từ mức ±3% lên ±5% nhằm chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Fed và các Ngân hàng Trung ương trên thế giới.
Động thái này của Ngân hàng Nhà nước có nghĩa giá trần USD của ngân hàng có thể giao dịch đạt gần 24.800 VND/USD kéo mức chênh lệch giữa VND/USD so với hồi đầu năm tăng lên đáng kể.
Theo GS.TS. Đinh Trọng Thịnh, việc điều hành tỷ giá và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn hiện nay cần phải “linh hoạt”.
Khi lãi suất các nước tăng lên thì lãi suất điều hành của Việt Nam cũng có thể tăng lên, sau khi ổn định thì có thể giảm đi. Tương tự, khi chỉ số USD ở mức cao, Việt Nam cũng không thể giữ tỷ giá quá thấp, không các nhà đầu cơ sẽ lao vào để ôm USD.
Ông cho rằng nên để thị trường tự điều tiết, để đồng USD thể hiện được sức mạnh. Khi đồng USD chững lại và giảm xuống thì Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm hợp lý.