Đại hội cổ đông Fecon mới đây đã thông qua phương án phát hành 32 triệu cổ phần với tổng giá trị phát hành dự kiến tối thiểu là 480 tỷ đồng (tương đương 15.000 đồng/cổ phần) để tăng vốn.
Toàn bộ số cổ phần này đã được dự kiến bán cho China HarBour Engineering (CHEC) - một doanh nghiệp Trung Quốc có ngành nghề khá tương đồng với Fecon, bao gồm hạ tầng, năng lượng, cầu cảng và bất động sản. Tỷ lệ sở hữu sau khi chào bán của CHEC dự kiến là 20,32%
Ban lãnh đạo Fecon cho biết, CHEC là nhà thầu rất mạnh từ Trung Quốc, họ muốn hợp tác với Fecon làm bàn đạp để triển khai các dự án tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á, trong đó có các dự án hạ tầng ven biển và trên biển. Hợp tác giữa hai bên giúp Fecon hướng đến các dự án ven biển và trên biển, một trong những thế mạnh của CHEC.
Mục đích của đợt phát hành là tăng nguồn vốn chủ sở hữu để nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động, tạo cơ sở phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả, thực hiện thành công chiến lược phát triển 2020-2025 của Fecon.
Số tiền thu về sẽ được Fecon dùng 278 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào 4 công ty con gồm , Năng lượng Fecon (FCP), Cọc khoan và Kết cấu ngầm Fecon (FDB), Thi công cọc và Xây dựng Fecon (FPL), Thi công cọc Fecon số 1 (FCPL1). 202 tỷ đồng còn lại được bổ sung vốn lưu động công ty mẹ.
Thời gian phát hành dự kiến vào quý 4/2020, sau đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và sau khi được Ủy ban Chứng khoán thông qua. Thời gian hạn chế chuyển nhượng của 32 triệu cổ phần này là một năm.
Ngoài ra, HĐQT của Fecon cũng trình cổ đông thông qua tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với cổ phiếu của công ty là 100% vốn điều lệ.
Trước đó, trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 6, Fecon đã đăng ký mua lại cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ với tổng khối lượng 6 triệu cổ phiếu, tương đương với 5% số cổ phiếu đang lưu hành. Ban lãnh đạo công ty cho biết mục đích mua lại nhằm bình ổn giá cổ phiếu FCN và tối đa hóa lợi ích của cổ đông.
Fecon được biết đến là một trong những nhà thầu số 1 Việt Nam về thi công nền, móng, công trình ngầm. Gần đây, công ty đưa ra một chiến lược kinh doanh mang tính "chuyển mình", tập trung trong năm nay và những năm tiếp theo là xây dựng và phát triển năng lực và nguồn lực thực hiện các dự án theo hình thức tổng thầu (EPC).
Cùng với các mảng đầu tư vào hạ tầng giao thông, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, Fecon cho biết, sẽ mở rộng đầu tư vào lĩnh vực phát triển đô thị và khu công nghiệp.
Năm 2020, Fecon đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 4.000 tỷ đồng, tăng 29,4% so với thực hiện năm 2019. Lợi nhuận ròng dự kiến đạt 233 tỷ đồng, tăng trưởng 10%. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ chiếm 195 tỷ đồng, giảm 3% so với năm trước.
Đầu năm 2020 đến nay, Fecon đã trúng thầu nhiều dự án như dự án Cảng Vĩnh Tân thuộc Tập đoàn Hoà Phát, dự án Khu công nghiệp – cầu cảng Phước Đông Long An, dự án hạ tầng khu đô thị Lotus Đại Phước, Đồng Nai; nhà máy điện gió Cầu Đất Đà Lạt và đang đàm phán vòng cuối cùng với 3 dự án điện gió khác, tổng giá trị hợp đồng ký mới dự kiến tăng thêm trên 2.000 tỷ đồng cho đến hết quý 2/2020.