Facebook lại tiếp tục vướng phải những lùm xùm về bảo mật thông tin. Theo Bloomberg, mạng xã hội có hơn 2 tỷ người dùng đã thừa nhận từng thuê các đối tác trung gian để thu thập thông tin, nghe các bản ghi âm từ ứng dụng Messenger.
Các đối tác được thuê có nhiệm vụ nghe và chuyển các đoạn ghi âm thành văn bản. Mặc dù Facebook khẳng định đây chỉ là hoạt động "kiểm tra độ chính xác của ứng dụng, đồng thời cải thiện trí thông mình cho AI", thế nhưng, dư luận vẫn đặt ra nghi vấn liệu các thông tin này có được đem ra để phục vụ cho quảng cáo và thu thập dữ liệu trái phép.
Từ năm 2015, ứng dụng Messenger đã tích hợp thêm tính năng chuyển các đoạn ghi âm thành văn bản. Tính năng này chỉ xuất hiện sau khi người dùng bật lên.
Hành động sử dụng con người để can thiệu vào dữ liệu của người dùng không hề được Facebook công khai trong các văn bản chính thống. Trong phần hướng dẫn sử dụng, Facebook chỉ nêu: "Tính năng chuyển lời thoại thành văn bản sử dụng máy học (AI)..." mà không đề cập tới chuyện sử dụng nhân công, con người thật tham gia vào qua trình đó.
Trong danh sách các đối tác bên thứ ba mà Facebook chia sẻ dữ liệu, họ cũng không đề cập đến đội ngũ chuyển âm thanh thành văn bản, mà chỉ nói tới các đối tác "hỗ trợ chúng tôi bằng cách phân tích sản phẩm được sử dụng như thế nào".
Đại diện Facebook cho biết họ đã dừng việc nghe dữ liệu của người dùng từ cách đây 1 tuần.
Facebook lâu nay luôn phủ nhận các nghi vấn về nghe lén người dùng để kinh doanh quảng cáo hay bán dữ liệu người dùng. CEO Mark Zuckerberg nhấn mạnh điều này trong tất cả các cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ trong thời gian từ đầu năm đến nay.
“Có thuyết âm mưu rằng chúng tôi nghe người dùng nói gì và dùng để quảng cáo. Chúng tôi không làm điều đó”.
TaskUs là một trong những đối tác thực hiện công việc nghe lén các đoạn nghi âm của Facebook. Tuy nhiên, TaskUs khẳng định họ chỉ đang làm việc với một đối tác bên ngoài có tên mã “Prism”. Ngoài nghe cuộc trò chuyện Facebook còn ký hợp đồng với TaskUs để kiểm tra quảng cáo tranh cử, chính trị.
Không chỉ riêng Facebook bị phát giác có hành động xâm phạm thông tin riêng tư của người dùng.
Vào tháng 4, Amazon là công ty đầu tiên để lộ việc có hàng nghìn nhân viên trên toàn cầu nghe các đoạn hội thoại của người dùng với loa Alexa nhằm cải thiện phần mềm. Sau đó, Apple và Google cũng bị chỉ trích khi làm điều tương tự để cải tiến tính năng cho các trợ lý ảo Siri và Google Assistant.