Theo Bộ Thông tin & Truyền thông, hoạt động quảng cáo trực tuyến đang chiếm một tỷ trọng khá lớn trong tổng đầu tư quảng cáo tại Việt Nam.
Trong đó, 2 nền tảng được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn quảng cáo trực tuyến nhiều nhất là Google và Facebook, chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến.
Do vậy, cần thiết phải xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 181/2013 nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới đảm bảo khắc phục các tồn tại, hạn chế trong tổ chức và quản lý.
Theo đó, các đơn vị này phải chủ động rà soát, kiểm tra sản phẩm để không vi phạm Luật Quảng cáo và nộp thuế theo quy định.
Đồng thời, đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng như các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Đối với người quảng cáo tại Việt Nam, phải chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo khi trực tiếp ký hợp đồng với bên cung cấp dịch vụ. Người quảng cáo có quyền yêu cầu đối tác cung cấp loại bỏ sản phẩm quảng cáo bị gắn vào các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, đơn vị cung cấp và người kinh doanh dịch vụ quảng cáo đều phải báo cáo hoạt động định kỳ một lần mỗi năm cho Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu.
Không chỉ bổ sung, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất về một số nội dung chưa phù hợp trong Nghị định hiện hành như quy định doanh nghiệp muốn quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới phải thông qua đại lý. Bởi thực tế, chỉ khoảng 45% doanh thu quảng cáo của Google và 30% Facebook thông qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam, còn lại là ký trực tiếp.
Trước đó, Nghị định 181/2013 đã có quy định cơ bản điều chỉnh hoạt động quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của các bên tham gia cung cấp dịch vụ.
Đặc biệt là vấn đề kiểm duyệt nội dung sản phẩm quảng cáo trước khi phát hành và nghĩa vụ thuế tại Việt Nam. Cùng với đó, các hành vi vi phạm và chế tài xử lý còn thiếu, chưa đủ sức răn đe cũng như chưa khả thi trong thực tế.
Link bài gốc