Quy định trên được đưa ra tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP (Nghị định 72/2013) của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến.
Thông tin đáng chú ý tại dự thảo Nghị định này là đã bổ sung, sửa đổi Điều 23 của Nghị định 72/2013 về Quản lý việc thiết lập trang thông tin điện tử, mạng xã hội.
Theo đó, tổ chức, doanh nghiệp chỉ được hoạt động mạng xã hội khi có Giấy phép thiết lập mạng xã hội (đối với mạng xã hội có lượng tương tác lớn) hoặc đã thông báo bằng văn bản với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này xác nhận bằng văn bản (đối với mạng xã hội có lượng tương tác thấp).
Dự thảo quy định cũng phân loại mạng xã hội, theo đó, mạng xã hội có lượng tương tác lớn: Là mạng xã hội có lượng người sử dụng tương tác từ 01 (một) triệu người/tháng trở lên, hoặc có người sử dụng đã đăng ký sử dụng thường xuyên từ 10.000 người/tháng trở lên và phải có Giấy phép thiết lập mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.
Với mạng xã hội có lượng tương tác thấp: Là các mạng xã hội có lượng người sử dụng tương tác dưới 01 (một) triệu người/tháng và phải thực hiện thủ tục thông báo hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bộ này sẽ gắn công cụ đo trên mạng xã hội có lượng tương tác thấp và mạng xã hội có lượng tương tác lớn để theo dõi lượng người sử dụng tương tác thường xuyên. Bộ cũng sẽ rà soát và có văn bản thông báo yêu cầu phải nộp hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định tại Điều 23đ, Điều 23g Nghị định này đối với các mạng xã hội có lượng người sử dụng tương tác từ 01 (một) triệu người/tháng trở lên hoặc có người sử dụng thường xuyên từ 10.000 người/tháng trở lên (tùy theo điều kiện nào đạt trước).
Đồng thời chỉ các mạng xã hội đã được cấp phép mới có quyền: thu phí sử dụng dịch vụ dưới mọi hình thức; cung cấp dịch vụ livestream.
Cũng tại Điều 23 mới này, quy định báo điện tử dưới hình thức trang thông tin điện tử được thiết lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về báo chí.
Báo điện tử được liên kết với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện việc liên kết sản xuất chuyên trang của báo điện tử về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội, phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí và phù hợp với ngành nghề đăng ký hoạt động hoặc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên kết. Quy trình, thủ tục cấp phép mở chuyên trang (liên kết) theo quy định tại Điều 31 Luật Báo chí.
Tên miền chuyên trang phải là tên miền thứ cấp của cơ quan báo chí.
Một quy định đáng chú ý khác tại Dự thảo là việc sửa đổi, bổ sung điều 22 về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, theo đó các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài khi cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập từ Việt Nam cần tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan của Việt Nam.
Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam có quyền thực thi các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện chính sách phát triển, quản lý thông tin trên mạng theo quy định.