HĐQT Eximbank trình cổ đông phương án người đại diện theo pháp luật là Tổng giám đốc (CEO) hoặc Chủ tịch HĐQT trong thời gian khuyết chức danh Tổng giám đốc mà chưa hoàn tất việc thay thế. "Thực tế hoạt động đã xảy ra trường hợp Tổng giám đốc bị miễn nhiệm và Ngân hàng chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định pháp luật để bổ nhiệm nhân sự giữ chức danh Tổng giám đốc thay thế", HĐQT Eximbank cho hay.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank, HoSE: EIB) sắp tới sẽ trình cổ đông sửa một loạt quy định rất đáng chú ý trong Điều lệ ngân hàng.
Theo tờ trình sửa đổi Khoản 4, Điều 2 Điều lệ Eximbank, ngân hàng này trình cổ đông phương án sửa người đại diện theo pháp luật là Tổng giám đốc hoặc Chủ tịch HĐQT trong thời gian khuyết chức danh Tổng giám đốc mà chưa hoàn tất việc thay thế. Được biết, điều lệ hiện nay của Eximbank quy định, người đại diện theo pháp luật của ngân hàng này là duy nhất Tổng giám đốc.
"Thực tế hoạt động đã xảy ra trường hợp Tổng giám đốc bị miễn nhiệm và Ngân hàng chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định pháp luật để bổ nhiệm nhân sự giữ chức danh Tổng giám đốc thay thế", HĐQT Eximbank cho hay.
Theo quy định hiện hành, chức danh Tổng giám đốc ngân hàng phải được Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận dự kiến trước khi HĐQT bổ nhiệm. Do đó, trong thời gian khuyết chức danh này, Eximbank không có người đại diện theo pháp luật để thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của ngân hàng, đại diện cho Eximbank với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước trọng tài, tòa án, các quyền và nghĩa vụ khác.
Eximbank cho hay kiến nghị sửa đổi Điều lệ trên nhằm đảm bảo tính liên tục và phù hợp với quy định của pháp luật.
Một kiến nghị khác cũng rất đáng chú ý việc sửa quy định "Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện cho ít nhất 65% trong tổng số cổ phần có quyền biểu quyết".
HĐQT Eximbank muốn thay con số 65% bằng 51%.
Tương tự, đối với việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, HĐQT Eximbank đề xuất các quyết định của đại hội đồng cổ đông được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất trên 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tán thành, thay vì mức 65% như hiện nay.
Tại đại hội tới, HĐQT Eximbank cũng sẽ trình cổ đông chấp thuận phương án đầu tư dự án Trụ sở Eximbank tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TP. HCM.
Cụ thể, Eximbank đề nghị cổ đông chấp thuận đầu tư dự án tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TP. HCM theo phương thức Eximbank góp giá trị quyền sử dụng đất, nhà đầu tư xây dựng tòa nhà văn phòng và thực hiện phân chia sản phẩm phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước không đồng ý cho Eximbank đầu tư với phương thức trên thì chấp thuận cho đầu tư bằng nguồn vốn của Eximbank, phần diện tích không sử dụng hết sẽ cho thuê theo quy định của pháp luật.
Được biết, dự án Tháp Eximbank dự kiến xây dựng trên diện tích 3.513m2. Giá trị tài sản trên sổ sách kế toán của Eximbank là 240 tỷ đồng, đã chi 196,4 tỷ đồng, còn lại phải trả nhà thầu 21,6 tỷ đồng.
Phía Eximbank cho biết trên cơ sở tư vấn của Savills, ngày 18/12/2018, HĐQT ngân hàng này đã ban hành nghị quyết chấp thuận chọn nhà đầu tư Mitsubishi Estate Capital là ưu tiên 1, ưu tiên 2 là Taisei Corporation và ưu tiên 3 là Keppel Capital để ngân hàng tiến hành các bước tiếp theo.
Nhà đầu tư Mitssubishi Estate Asia đã đưa ra phương án trong đó giá trị đất được tính khoảng 111 triệu USD, ước tính tổng chi phí xây dựng là 114,4 triệu USD, diện tích sàn sử dụng phân bổ cho Eximbank là 18.647 m2 (chiếm tỷ lệ 49,2% của tòa nhà), thời gian phát triển dự án khoảng 48 tháng.