Ngày pháp luật

EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8

Theo Người đồng hành

Thông tin từ Ủy ban châu Âu, EVFTA có hiệu lực từ 1/8. Thông tư hướng dẫn quy tắc xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu vào thị trường thành viên EU cũng có hiệu lực vào thời gian này.

Ủy ban châu Âu (EC) vừa thông báo Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) ký kết ngày 30/6/2019 sẽ có hiệu lực từ 1/8.

Sau khi EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU được thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vào 18/6, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã trao công hàm thông báo việc Việt Nam phê chuẩn hai hiệp định tới Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Hà Nội.

EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8 - Ảnh 1
Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao Công hàm thông báo phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA tới Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Pier Giorgio Aliberti

Được thông qua cùng thời gian với EVFTA nhưng EVIPA còn phải chờ Quốc hội từng nước thành viên trong khu vực EU phê chuẩn. Quá trình này có thể kéo dài trong thời gian ít nhất là 3 năm.

Ngày 25/6, Bộ Công Thương đã ban hành thông tư quy tắc xuất xứ hàng hóa khi thực thi EVFTA và cũng có hiệu lực từ 1/8. Thông tư có 5 chương, 42 điều và 8 phụ lục áp dụng cho đối tượng là cơ quan quản lý, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và thương nhân.

Theo đó, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ được cấp C/O mẫu EUR.1 và hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết của hiệp định. Việc cấp mẫu EUR.1 do cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi mà được Bộ Công Thương ủy quyền.

So với những hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đang tham gia, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA có nhiều điểm mới và phức tạp hơn, cả về cách diễn đạt tiêu chí và các quy định kèm theo.

Ví dụ, một số mặt hàng như dệt may, mực và bạch tuộc chế biến được phép cộng gộp xuất xứ với nguyên liệu từ nước không phải thành viên hay cơ chế chứng nhận và xác minh xuất xứ hàng hóa xuất xứ, chia nhỏ hàng hóa ở nước thứ ba, điều khoản đặc biệt về lãnh thổ… là những điểm mới trong hiệp định.

Trước đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan ngay khi EVFTA đi vào thực thi, bộ đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ trong Kế hoạch hành động, gồm 4 nhóm hành động lớn. Trước tiên, tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường các nước đối tác tại EU. Tiếp nữa là xây dựng pháp luật và thể chế.

Đồng thời, việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực cũng được Bộ Công Thương chú trọng. Những chủ trương và chính sác đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở của doanh nghiệp cũng được lưu ý.

Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung điều chỉnh nhiều vấn đề bao gồm: thương mại hàng hóa, gồm quy định chung và cam kết mở cửa thị trường, quy tắc xsuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế.

Với mức độ cam kết đạt được, EVFTA được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Một số cam kết chính trong EVFTA như: Thương mại hàng hóa; Quy tắc xuất xứ; Các biện pháp phi thuế theo ngành; Phòng vệ thương mại; Hải quan và thuận lợi hóa thương mại; Các hàng rào kỹ thuật trong thương mại…

Tin Cùng Chuyên Mục