Ngày pháp luật

"Ém" 14 giao dịch giá trị ngàn tỷ, Quốc Cường Gia Lai bị nhà đầu tư “quay lưng”?

Theo Quang Sơn/Dân Việt

Sau hàng loạt những giao dịch bất thường nhưng không công bố thông tin của Quốc Cường Gia Lai, nhà đầu tư có động thái bán mạnh cổ phiếu này trong thời gian gần đây.

Sắc xanh đã trở lại với thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngày hôm nay sau 10 phiên vật lộn với đà lao dốc. Đà bán giảm bớt do giá cổ phiếu đã xuống mức đáy cùng với mức tăng kỉ lục gần 1100 điểm (4,98%) của chỉ số chứng khoán Mỹ Dow Jones là yếu tố thúc đẩy đà hồi phục của thị trường. Kết phiên 27/12, chỉ số VN-Index tăng 9,06 điểm lên 900,81 điểm. Điểm tiêu cực là lượng tiền đổ vào vẫn ở mức rất thấp, chỉ hơn 3.100 tỷ đồng trên sàn HSX.

"Ém" 14 giao dịch giá trị ngàn tỷ, Quốc Cường Gia Lai bị nhà đầu tư “quay lưng”? - Ảnh 1

Thị trường hồi phục sau 10 phiên giảm điểm liên tiếp

Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, dầu khí là động lực tăng điểm chính của thị trường phiên hôm nay. 14/17 mã ngân hàng ghi nhận kết quả tăng giá, trong đó nổi bật là BID (tăng 4,3%), VCB (tăng 1,3%), ACB (tăng 2,4%), HDB (tăng 2,4%). Giá dầu bất ngờ tăng vọt hơn 6% trong đêm qua cũng đã tác động rất tích cực lên nhóm cổ phiếu ngành dầu khí. GAS tăng 3800 đồng (4,2%) lên 86.800 đồng/cổ phiếu, PVS và PVD cũng tăng lần lượt 3,5% và 4,9%.

Đối với nhóm cổ phiếu đại gia: VIC (Vingroup), VHM (Vinhomes), MSN (Masan), VNM (Vinamilk), SAB (Sabeco) đều ghi nhận mức tăng khá. Trái lại, VJC (Vietjet Air) lại đi ngược thị trường khi giảm 2.000 đồng xuống 120.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này đang chịu tác động tiêu cực bởi liên tiếp những sự cố hàng không tại các chuyến bay của Vietjet Air trong thời gian gần đây. Cùng tình cảnh tương tự, ROS (FLC Faros) cũng giảm 2.550 đồng xuống 36.750 đồng/cổ phiếu. Như vậy, sau 5 phiên tăng giá liên tiếp đầy bất ngờ, ROS đã quay đầu mất tới 12,5% giá trị chỉ trong 2 phiên.

Đáng chú ý, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai vẫn chưa thoát khỏi đà lao dốc tồi tệ trong năm 2018. Sau vụ việc che giấu thông tin, nhà đầu tư đã có động thái bán tháo tại QCG. Cụ thể, Quốc Cường Gia Lai đã thừa nhận trong thời gian từ ngày 24-1-2013 đến 26-8-2017, công ty này đã thực hiện tới 14 giao dịch chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng vốn tại các công ty với tổng giá trị các giao dịch gần 3.280 tỷ đồng nhưng không công bố nội dung các nghị quyết liên quan đến chủ trương triển khai, cũng như không công bố thông tin kịp thời khi giao dịch xong.

"Ém" 14 giao dịch giá trị ngàn tỷ, Quốc Cường Gia Lai bị nhà đầu tư “quay lưng”? - Ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Như Loan – Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai

Theo lý giải của bà Nguyễn Thị Như Loan – Chủ tịch HĐQT QCG, do trong khoảng thời gian đó, công ty liên tục thay đổi nhân sự thư ký quản trị doanh nghiệp nên việc cập nhật các quy định quản trị còn hạn chế, hiểu chưa đúng về nội dung và thời hạn công bố thông tin, dẫn tới thiếu sót khi không công bố thông tin kịp thời mà chỉ ghi nhận kết quả các giao dịch trong báo cáo tài chính định kỳ khi hoàn tất thương vụ. Tuy nhiên, việc ém một loạt thông tin giao dịch tới hàng ngàn tỷ đồng trong thời gian dài đã vi phạm qui định công bố thông tin đối với một doanh nghiệp niêm yết, và có thể gây thiệt hại cho các nhà đầu tư đang sở hữu cổ phần doanh nghiệp.

Cổ phiếu QCG đã ghi nhận hai phiên giảm kịch sàn vào ngày 25 và 26 vừa qua. Trong phiên hôm nay, QCG cũng đã có lúc rơi xuống giá sàn vào giữa phiên chiều, tuy nhiên lực mua đỡ giá vào phiên ATC đã giúp QCG tăng nhẹ 70 đồng khi chốt phiên. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu tháng tới nay, QCG đã mất gần 9,3% giá trị. Hiện cổ phiếu này đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2017.

Tin Cùng Chuyên Mục