Vài tiếng trước khi hoàn tất việc thương vụ mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD, tỷ phú Elon Musk tiết lộ ông quyết định mua nền tảng truyền thông mạng xã hội này để giúp đỡ nhân loại chứ không phải kiếm thêm tiền, theo Bloomberg.
Thật vậy, bởi chỉ một ngày sau khi đổi vai trò của mình trên trang Twitter cá nhân thành “Chief Twit” (tạm dịch là Giám đốc điều hành Twitter), giá trị khối tài sản ròng của Elon Musk đã giảm 10 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Vị tỷ phú 51 tuổi này đã tự mình chi ra ít nhất 25 tỷ USD trong nỗ lực thực hiện thỏa thuận mua lại mạng xã hội Twitter với giá 54,2 USD/cổ phiếu, tương đương khoảng 44 tỷ USD, theo Bloomberg. Con số này được đưa ra trong trường hợp tỷ phú người Nam Phi giữ chân thành công các nhà đầu tư bên ngoài, những người đã cam kết tài trợ 7,1 tỷ USD cho thỏa thuận.
Dường như trong khoảng thời gian 6 tháng kể từ khi Elon Musk thông báo đạt thỏa thuận mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD được công bố, giá trị thương vụ này đã đắt hơn thực tế. Các báo cáo cho rằng, Elon Musk đã nỗ lực để làm giảm giá cổ phiếu của công ty truyền thông mạng xã hội này. Giá cổ phiếu Twitter cũng đã giảm do một số yếu tố khác như lãi suất tăng, bất ổn kinh tế toàn cầu, chi tiêu của nhà quảng cáo giảm xuống,…
Chỉ số truyền thông xã hội Solactive, chuyên theo dõi hiệu suất các công ty truyền thông xã hội đang giao dịch công khai, đã giảm gần 40% kể từ đầu năm. Chỉ số tài sản của Bloomberg cũng chỉ ra giá cổ phiếu Twitter giảm kể từ đầu năm, qua đó ảnh hưởng trực tiếp tới giá trị khối tài sản ròng của Elon Musk.
Những tỷ phú khác cũng không tránh khỏi cảnh chứng kiến giá trị khối tài sản ròng lao dốc như Elon Musk. Đơn cử, giá cổ phiếu của Meta Platforms Inc - chủ sở hữu Facebook và Instagram - đã giảm 53% kể từ khi Musk đưa ra lời đề nghị cho Twitter vào tháng 4. Cú "lao dốc" này khiến giá trị khối tài sản ròng của CEO Mark Zuckerberg giảm hơn 100 tỷ USD so với thời kỳ đỉnh cao.
Tuy nhiên Elon Musk không phải nhà đầu tư duy nhất vào Twitter chứng kiến giá trị khối tài sản ròng đi xuống. Nhà đồng sáng lập công ty Jack Dorsey và Hoàng tử Alwaleed Bin Talal al Saud cũng là người đã ủng hộ việc tiếp quản của Elon Musk và được cho là nhà đầu tư của Twitter. Ước tính giá trị khối tài sản ròng của hai người này đã giảm lần lượt là 380 triệu USD và 640 triệu USD.
Thương vụ mua lại Twitter thành công, ai sẽ hưởng lợi?
Với người đang đầu tư vào Twitter để kiếm tiền, việc Elon Musk mua lại công ty này là một chiến thắng lớn. Họ vừa nhận được 20% phí bảo hiểm khi Elon Musk đưa ra lời đề nghị biến Twitter thành công ty tư nhân, vừa tránh được rủi ro giảm giá cổ phiếu, thứ đã xảy ra và tác động lớn tới các công ty cùng ngành Twitter.
Việc Elon Musk tiếp quản thành công Twitter cũng là tin vui đối với một số giám đốc điều hành sắp mãn nhiệm của công ty. Bởi những người này sẽ nhận được khoản bồi thường cùng khoản thanh toán khác có giá trị cả trăm triệu USD. Trong đó, khoảng một nửa sẽ thuộc về Parag Agrawal, cựu Giám đốc điều hành Twitter.
Elon Musk đã dành vài tháng để cố gắng hoàn tác giá thầu trên Twitter. Vào tháng 7, tỷ phú người Nam Phi nói rằng ông sẽ chấm dứt thỏa thuận vì hiểu nhầm về sự phổ biến của các tài khoản trên internet. Sau khi Twitter khởi kiện để buộc CEO Tesla phải hoàn tất thương vụ, các bên đã đưa nhau ra tòa. Cuối cùng, Musk đồng ý tiếp tục hoàn tất thương vụ với giá đề nghị ban đầu.
Theo Bloomberg Billionaires Index, con số 10 tỷ USD mà Elon Musk vừa "đánh rơi" đã nâng tổng số tiền mà CEO Tesla bị sụt giảm từ đầu năm lên hơn 66 tỷ USD. Tính đến ngày 31/10, CEO Tesla đang sở hữu khối tài sản ròng trị giá 204 tỷ USD, và vẫn là người giàu nhất hành tinh.
Giá cổ phiếu của Tesla Inc góp phần lớn giá trị vào khối tài sản ròng của Elon Musk. Tuy nhiên, mức giá cổ phiếu của Tesla cũng đã giảm 35% trong năm nay, một phần xuất phát từ sự lo ngại vị CEO này sẽ bán cổ phần của nhà sản xuất xe điện nhằm hỗ trợ cho thương vụ mua lại Twitter. Elon Musk đã sử dụng tất cả tài sản thanh khoản hiện có để hoàn tất việc mua lại Twitter, ước tính khoản nợ phải trả của ông đã tăng thêm 4,6 tỷ USD.