Bà Phùng Thị Lý Hà cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có thời điểm phải dừng gần như toàn bộ chạy tàu, các mác tàu truyền thống đều phải dừng, đặc biệt là tàu khu đoạn. Khi hết cách ly xã hội, thời điểm cao điểm nhất doanh thu cũng chỉ đạt khoảng 52% so với cùng kỳ năm trước, còn bình quân chỉ hơn 30%. Có những đoàn tàu lâu nay chủ yếu khách nước ngoài, tới nay chưa có khách nên vẫn dừng hoạt động, như tuyến Hà Nội - Lào Cài/Đà Nẵng/Nha Trang…
Sau 5 tháng đầu năm, tổng doanh thu vận tải cả khách và hàng hoá của Haraco giảm 44% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó riêng doanh thu hành khách giảm tới 68%.
Điểm sáng trong nửa đầu năm của đường sắt là vận tải hàng hoá, khi tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ, bắt đầu đưa vào khai thác dịch vụ tàu chở container lạnh chở nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc và đi nước thứ 3.
Riêng trong tháng 5, Haraco đã vận chuyển được 200 container lạnh (khoảng 6.000 tấn hàng hoá), chủ yếu là trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc, dự kiến tăng tần suất tàu hàng Việt – Trung lên 1 đôi tàu/ngày.
Dịch Covid-19 khiến hơn 1.200 người lao động của Haraco không có việc làm, số lao động bị hoãn hợp đồng hơn 1.100 người. Dự kiến, năm 2020, doanh nghiệp này lỗ 330 tỷ đồng, riêng trong giai đoạn dịch Covid-19 lỗ hơn 100 tỷ đồng.
Để vượt qua giai đoạn khủng hoảng, HARACO đã phối hợp với các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch, khách sạn để ký hợp đồng thực hiện tour trọn gói đi tàu, như tour Hà Nội - Huế/Quảng Bình/Đà Nẵng/Sapa.. Cùng đó, giảm giá vé tàu khách từ 20-30% so với cùng kỳ năm trước.
Theo bà Hà, giai đoạn cuối năm, hoạt động của đường sắt cũng có thể bị ảnh hưởng từ dự án đầu tư, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – TP HCM, dự kiến dự án hoàn thành năm 2021.
Để giảm cạnh tranh nội bộ, phát huy nguồn lực sẵn có, Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn sẽ tiến hành sáp nhập khi được Chính phủ đồng ý. Trong đó, 1 công ty sẽ chuyên về khai thác vận tải hành khách và 1 chuyên về vận tải hàng hoá.