Từ mảnh đất cao nguyên đến “ông trùm” của ngành trà
Thương hiệu trà, cà phê nổi tiếng Phúc Long bắt đầu được thành lập năm 1968 bởi ông Lâm Bội Minh. Đây là một đại gia vô cùng kín tiếng với truyền thông, cho đến hiện tại, chưa có bất kỳ một bức hình nào của ông xuất hiện trên các nền tảng thông tin, báo chí.
Cửa hàng bán lẻ sản phẩm đầu tiên của Phúc Long nằm tại số 134 đường Tổng Đốc Phương (bây giờ là đường Châu Văn Liêm, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh).
Đầu thập niên 80, tại số 63 Mạc Thị Bưởi, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, cửa hàng đầu tiên của Phúc Long đã ra mắt mô hình tự phục vụ . Đánh dấu tiên phong mô hình này trong lĩnh vực kinh doanh trà và cà phê. Sau đó là cửa hàng thứ 2 trên đường Đồng Khởi, hiện nay, đây cũng là chi nhánh có lượng khách tập nập mỗi ngày.
Đến năm 2000, công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Phúc Long chính thức được thành lập. Bảy năm sau, thương hiệu này đã tiến hành đầu tư và xây dựng nhà máy chế biến trà tại Thái Nguyên và Bình Dương với trang thiết bị hiện đại. Điều này đã giúp Phúc Long sở hữu chứng nhận HACCP – quy trình đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm đảm bảo cung ứng nguồn sản phẩm chất lượng cao, phục vụ thị trường trong nước cũng như quốc tế. Đây cũng là dấu mốc quyết định Trà Phúc Long đủ tiêu chuẩn để có mặt tại các thị trường quốc tế “khó tính” như: Mỹ, Nhật Bản, Indonesia, Philippines…
Năm 2012, cửa hàng Phúc Long Coffee and Tea tại Trung tâm thương mại Crescent Mall ra mắt, đánh dấu việc Phúc Long chính thức mở rộng kinh doanh vào ngành đồ ăn và thức uống (Food and Beverage).
Năm 2015, Phúc Long sở hữu 10 cửa hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh và từng bước định vị thương hiệu của mình bằng những sản phẩm trà và cà phê đậm vị trong tâm trí khách hàng.
Năm 2018, Phúc Long xây dựng nhà máy chế biến trà và cà phê thứ hai tại Bình Dương, đồng thời mở hơn 40 cửa hàng tại các trung tâm lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Bình Dương, Đà Nẵng, Hà Nội.
Năm 2019, thương hiệu này tiếp tục khai trương hơn 70 cửa hàng và định hướng phát triển mở rộng trải dài từ Nam ra Bắc.
Là một thương hiệu nổi tiếng, nhưng nhìn chung trên thị trường đồ uống, Phúc Long vẫn chưa vượt qua được những ông lớn cà phê như Highlands Coffee hay Starbucks. So sánh với các thương hiệu trà sữa như TocoToco, Koi Café, Gong Cha, thì Phúc Long có phần vượt trội hơn nhiều. Năm 2020, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 793 tỷ đồng và lãi sau thuế 34 tỷ đồng.
Thương hiệu này đã đạt hơn 600 cửa hàng Phúc Long Kiosk & 90 cửa hàng Phúc Long truyền thống, tính đến cuối năm 2021, phủ sóng rộng khắp trên 18 tỉnh thành của cả nước.
Đến cuối tháng 6/2022 vừa qua, Phúc Long đã sở hữu 971 kiosk được tích hợp vào hệ thống WinMart+. Không dừng lại ở đó, doanh nghiệp này còn sở hữu 74 cửa hàng flagship. Tập đoàn Masan (đơn vị đồng sở hữu Phúc Long bây giờ) đã đặt mục tiêu doanh thu sẽ đạt từ 2.500 đến 3.000 tỷ đồng và sẽ mở thêm khoảng 50 cửa hàng flagship nữa, tập trung tại 2 vùng đất lớn của Việt Nam chính là TP.HCM và Hà Nội. Tiếp tục với tham vọng dẫn đầu, đạt 2.000 kiosk trong Wincommerce. Song đó, doanh nghiệp cũng sẽ tăng tính đa dạng cho sản phẩm tại đây, đáp ứng nhu cầu thay đổi và mới mẻ của khách hàng.
Thương hiệu Phúc Long có xuất thân từ một công ty gia đình, và đại gia kín tiếng Lâm Bội Minh nắm vị trí chủ chốt ở doanh nghiệp này. Ban đầu, Phúc Long chỉ bán và giới thiệu trà, cà phê, một thời gian sau mới mở cửa hàng đón khách đến sử dụng dịch vụ trực tiếp. Theo thời gian, Phúc Long nhanh chóng trở thành một hiện tượng và dần được khách hàng đặc biệt là các tín đồ về trà, cà phê yêu thích.
Xét về biên lợi nhuận, trong khi các chuỗi cà phê nổi tiếng khác như Highlands Coffee đã đạt biên lợi nhuận gộp (gross margin) khoảng 68%, thương hiệu The Coffee House đạt khoảng 70%, thì Phúc Long chỉ ở mức 35%.
Phúc Long đã xây dựng một chính sách giá bán hợp lý dựa trên thế mạnh trà và cà phê của mình, hướng đến đa dạng đối tượng khách hàng với mức giá tầm trung hợp lý, dao động từ 35.000 – 70.000 (VNĐ). Mức giá này chỉ bằng 50 – 70% giá bán của thương hiệu Trung Nguyên hay chỉ chiếm 30 – 50% giá của Starbucks, The Coffee Bean & Tea Leaf. Giá bán “dễ chịu” chính là một trong những lý do giúp Phúc Long tiếp cận được lượng khách hàng đông đảo một cách nhanh và tối ưu nhất.
Bên cạnh đó, dựa vào tâm lý khách hàng, Phúc Long đưa ra chiến dịch bán theo combo, phương thức bán hàng này được đánh giá là cực kỳ thành công. Đánh vào tâm lý khách hàng luôn thích “khuyến mãi”, Phúc Long Coffee and Tea luôn nhấn mạnh mức chiết khấu bằng các dòng chữ như: “Giá chỉ”, “tiết kiệm được” trên các poster quảng cáo, theo đó, thông tin quảng cáo giá sốc trong thời hạn ngắn cũng được tung ra để câu kéo khách hàng. Những chiến dịch combo này góp phần gia tăng doanh thu dễ dàng và hiệu quả, mang lại cho Phúc Long lợi nhuận rất lớn.
Những hé lộ về cha đẻ của Phúc Long
Nhà sáng lập thương hiệu Phúc Long Coffee & Tea chính là ông Lâm Bội Minh, ông sinh năm 1946. Hiện nay ông đã 76 tuổi, ngoài tên thật và năm sinh, ông Minh không để lộ bất kỳ thông tin cá nhân nào khác.
Các cập nhật về kinh doanh của ông chỉ chiếm phần nhỏ trong câu chuyện của Phúc Long. Được biết, vào tháng 5/2021, ông Minh và hai cá nhân khác đã thành lập nên Công ty Cổ phần Phúc Long Heritage (Phúc Long Heritage) với quy mô vốn điều lệ 260 tỷ đồng. Ông Minh chiếm 94,5% cổ phần, tương đương 245,7 tỷ đồng. Hai cá nhân chưa được công bố thì nắm giữ 5,5% cổ phần còn lại.
Đến đầu năm 2022, tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã thâu tóm 31% cổ phần Công ty cổ phần Phúc Long Heritage, giúp cho nhóm cổ đông của Phúc Long đã thu về 110 triệu USD qua thương vụ này. Định giá chuỗi Phúc Long cũng tăng lên 355 triệu USD sau thương vụ M&A.
Trước đó, The Sherpa - công ty thành viên thuộc tập đoàn Masan đã chi 15 triệu USD mua 20% cổ phần Phúc Long Heritage, tương đương định giá 75 triệu USD. Đầu tháng 8/2022, The Sherpa đã tiếp tục chi 155 triệu USD mua 34% cổ phần Phúc Long. Mức định giá của Phúc Long cũng tăng lên 455 triệu USD, tổng tỷ lệ sở hữu của Masan tại Phúc Long lên đến 85%.
Hiện tại, đại diện pháp luật của công ty là cả ông Lâm Bội Minh và tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Theo đó ông Nguyễn Đăng Quang nắm giữ chức Chủ tịch hội đồng quản trị, ông Lâm Bội Minh là Tổng giám đốc. Thông tin này được thay đổi vào ngày 25/10/2021.
Vào ngày 19/5 vừa qua, Phú Nhuận 168, một công ty hoạt động trong lĩnh vực môi giới và kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc cho thuê đã thay đổi người đại diện pháp luật từ bà Khuất Thị Phương Thảo sang ông Lâm Bội Minh.
Hấp dẫn hơn, Phú Nhuận 168 được biết là công ty con của đại gia ngành xây dựng Coteccons. Tại ngày 31/03/2022, công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons nắm giữ 69,98% vốn chủ sở hữu và quyền biểu quyết tại công ty Phú Nhuận 168. Số cổ phần này được Công ty TNHH Covestcons – công ty con của CTD mua lại vào tháng 8/2019.
Phú Nhuận 168 được thành lập vào tháng 7/2019, có trụ sở chính tại số 70 Quốc Hương, phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức, TP.HCM. Vốn điều lệ ban đầu của doanh nghiệp này là 146 tỷ đồng, tính đến ngày 28/4 là 160 tỷ đồng.
Phú Nhuận 168 cũng đang sở hữu khu đất có diện tích hơn 1.504 m2, chính là thửa đất số 54, Tờ bản đồ số 11- BĐĐC, Số 168, đường Thích Quảng Đức, Phường 4, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ngày 28/8/2013, khu đất này đã được UBND TP.HCM cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất.
Không có gì bất ngờ khi ông Lâm Bội Minh bỏ ra hơn 183 tỷ đồng mua lại Phú Nhuận 168, bởi số tiền ông đã nhận về từ thương vụ hot Masan mua Phúc Long cũng là số tiền lớn.
Theo báo cáo tóm tắt kết quả KD 6 tháng đầu năm của Masan, "Trong nửa đầu năm 2022, Phúc Long Heritage ghi nhận doanh thu 820 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước và EBITDA 117 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm trước do gia tăng đầu tư vào mở rộng quy mô chuỗi kiosk hiện vẫn cần thời gian để tối ưu hoạt động".