Ai sẽ bỏ vài ngàn đô la đi du lịch cách ly?
Báo chí phương Tây ví von mô hình đón khách quốc tế với những biện pháp ngăn dịch nghiêm ngặt đi kèm với dịch vụ du lịch tiện nghi và khép kín tại Phuket là "chiếc lồng mạ vàng".
Với mô hình trên, khách du lịch nước ngoài cần phải xin visa du lịch đặc biệt STV, có giá trị lên tới 90 ngày và có thể kéo dài tới 270 ngày sau khi được gia hạn 2 lần để đến nước này.
Du khách cũng phải chấp nhận thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, cung cấp bằng chứng về nơi ở trong chuyến thăm dài, bằng chứng về chi trả tiền ở khách sạn hoặc nơi được chọn cách ly thay thế...
Sau khi đến sân bay Phuket, nếu vượt qua sàng lọc về y tế, khách sẽ được đưa thẳng đến khách sạn để cách ly, nghỉ dưỡng ở đó trong vòng hai tuần. Trong thời gian đó, không chỉ nhân viên khách sạn mà nhân viên của cơ quan y tế cùng các cơ quan liên quan sẽ hợp tác để đảm bảo du khách tuân thủ quy trình phòng chống dịch.
Kiểu du lịch này tương tự như mô hình du lịch biệt lập mà giới kinh doanh đã từng nhắc đến và đề nghị nên áp dụng ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang) hoặc Cam Ranh (Khánh Hòa) nhưng sau đó chưa được đánh giá, phân tích sâu hơn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Trao đổi với TBKTSG Online, nhiều doanh nhân cho rằng, đây có thể là mô hình gợi mở nhưng cần cân nhắc kỹ khi thực hiện tại Việt Nam, chưa bàn đến quy trình kiểm soát dịch bệnh thì việc tìm được nguồn khách chịu chi tiền cho kiểu du lịch cách ly và điểm đến có điều kiện tương tự Phuket để áp dụng mô hình này là rất khó.
"Phuket có dòng khách số lượng lớn, lưu trú dài ngày còn đa số khách du lịch thuần túy tại Việt Nam vẫn đi ngắn ngày cho nên tôi e rằng sẽ khó có khách nếu áp dụng mô hình này", ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Du lịch Indochina Unique Tourist nói.
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang Travelink cũng có ý kiến tương tự, cho rằng sẽ có rất ít khách chịu lên đường nếu phải chi hàng ngàn đô la Mỹ để đi một chặng đường xa, trải qua quy trình kiểm tra y tế rất ngặt nghèo nhưng chỉ được loanh quanh tắm biển và ăn ngủ ở các khu nghỉ dưỡng.
"Nếu là khách doanh nhân thì phải chấp nhận để đi làm ăn còn khách du lịch thuần túy lại khác. Nhiều đối tác vẫn hỏi chúng tôi về thời gian mở cửa để đưa khách đến nhưng cho rằng khi nào còn cách ly y tế thì khách sẽ chưa lên đường", ông nói.
Doanh nhân này cho rằng, Phuket có rất nhiều cụm nghỉ dưỡng có đầy đủ các dịch vụ từ lưu trú, giải trí, mua sắm và thể thao cho du khách đỡ chán trong thời gian cách ly trong khi những nơi khá biệt lập ở Việt Nam lại chưa có nhiều cụm như thế này.
Bàn về mô hình này, có ý kiến cho rằng, có thể phù hợp với thị trường Nga vì du khách thường thích nghỉ dưỡng dài ngày ở các khu nghỉ ven biển. Tuy nhiên, một số doanh nhân có thế mạnh về thị trường này lại khá ngần ngại.
"Công ty lữ hành sẽ khó bán tour đi Việt Nam nếu khách du lịch biết là đến nơi sẽ không được đi du lịch ngày mà phải cách ly, dù là cách ly 5 ngày hay 14 ngày thì cũng vậy”, bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Pegas Misr Travel Việt Nam nói.
Theo bà Phong Thu, có thể du khách Nga ít đi tour bên ngoài hơn so với những du khách khác nhưng nếu bỏ vài ngàn đô la Mỹ mua tour mà chỉ có thể ở tại khu nghỉ dưỡng thì nhiều người sẽ chùng chân.
Tìm hướng đi phía trước, dù chỉ là ngách nhỏ
Tuy e ngại về khả năng đón khách nhưng nhiều doanh nhân cho rằng, không nên vì thế mà không thử áp dụng. Thử nghiệm đón khách quốc tế trở lại theo mô hình khép kín như Thái Lan thực hiện có thể là bước tập dượt để phục vụ khách an toàn và tốt hơn khi chính thức mở cửa du lịch sau này.
Thêm vào đó, trong bối cảnh mảng du lịch quốc tế cần rất nhiều thời gian để phục hồi như đại dịch lần này thì việc đón một lượng khách nhỏ hay rất nhỏ cũng sẽ giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh khách sạn phần nào bớt khó khăn.
"Theo tôi là nên áp dụng thử nghiệm để có thêm một ít khách vì khả năng đón khách trở lại với nhiều thị trường như châu Âu còn rất xa, phải đến quí 4 năm sau", ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings nói.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, nên bàn đến thị trường và nguồn khách trước khi tính đến mô hình mở cửa. Đại dịch diễn biến rất thất thường, kéo theo những thay đổi của thị trường du lịch đã làm cho những dự đoán về sản phẩm, nguồn khách cùng các giai đoạn phục hồi sau dịch không mấy chắc chắn. Vì thế, nên nắm chắc về lượng khách, thị trường trước khi tính đến chuyện áp dụng mô hình nào đó.
Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Outbox Consulting ví dụ, nếu doanh nghiệp có nguồn khách sẳn sàng đến để nghỉ dưỡng cách ly ở những vùng khá biệt lập và có nhiều cụm nghỉ dưỡng lớn như Cam Ranh thì có thể tính toán khu vực và mô hình phù hợp để tăng doanh thu du lịch nhưng lại đảm bảo an toàn cho du khách, nhân viên làm việc và cộng đồng.
"Nếu chỉ là thử nghiệm trong giai đoạn dịch chưa yên, du lịch chưa thể hoàn toàn mở cửa thì nên nắm chắc về nguồn khách trước khi tính đến mô hình", ông nói.
Về kế hoạch mở cửa thị trường du lịch quốc tế, Tổng cục Du lịch từng cho biết đang cùng với Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất từng bước mở cửa dần các thị trường du lịch, đảm bảo các hành lang du lịch an toàn để hoạt động du lịch dần trở lại bình thường. Giai đoạn đầu, các thị trường mục tiêu có thể sẽ là vùng Đông Bắc Á, Đông Nam Á, nơi dịch bệnh đã được kiểm soát tương đối tốt.
Link bài gốc