Ngày pháp luật

Đức Long Gia Lai (DLG) nói gì về số nợ ngắn hạn vượt quá tổng tài sản?

Giang Phạm

Kiểm toán cho rằng, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục nhưng Đức Long Gia Lai khẳng định, những vấn đề ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của công ty đã tồn tại liên tục từ năm 2022 đến nay.

Giải trình ý kiến kiểm toán ngoại trừ trong báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023

Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã ck: DLG) vừa ra văn bản giải trình ý kiến của kiểm toán ngoại trừ trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023.

Theo đó, đơn vị kiểm toán thông tin, tại thời điểm 30/06/2023, khoản lỗ thuần lũy kế của DLG hơn 2.164 tỷ đồng, đồng thời các khoản nợ ngắn hạn vượt quá tổng tài sản ngắn hạn gần 1.155 tỷ đồng.

Về vấn đề này, DLG cho biết Công ty đã có kế hoạch thanh lý, nhượng bán tài sản đảm bảo, tài sản được bảo lãnh để có dòng tiền trả nợ ngân hàng trong giai đoạn 2023-2025.

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2023 của DLG
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2023 của DLG

Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán chưa đủ bằng chứng để xác định giá trị của các tài sản trên, dẫn đến không thể xác định các tài sản này có phù hợp với kế hoạch trả nợ của DLG hay không. Do đó, đơn vị kiểm toán cho rằng việc nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của DLG.

Phản hồi về ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán, DLG cho biết, những vấn đề ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Công ty đã tồn tại liên tục từ năm 2022 đến nay, Công ty đang từng bước khắc phục, cụ thể nhất là khoản lãi sau thuế 34,46 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023.

Liên quan đến ý kiến loại trừ, ngày 17/07/2023, Công ty đã ký hợp đồng với đơn vị thẩm định giá tài sản độc lập để định giá lại toàn bộ tài sản đảm bảo của Công ty và bên thứ ba để xác định giá trị tài sản đảm bảo dư nợ vay ngân hàng.

Trong năm 2023, sau khi có kết quả thẩm định giá tài sản, DLG sẽ cung cấp bằng chứng cho đơn vị kiểm toán để khẳng định Công ty có khả năng trả nợ và hoạt động liên tục.

Đức Long Gia Lai (DLG) nói gì về số nợ ngắn hạn vượt quá tổng tài sản? - Ảnh 1

Trước đó, vào đầu tháng 9, DLG đã nhận thông tin về việc nhận được thông báo của Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai liên quan đến thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty cổ phần Lilama 45.3.

Cụ thể, ngày 24/7/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai theo đơn yêu cầu của Công ty cổ phần Lilama 45.3, trụ sở tại tỉnh Quảng Ngãi. Tòa án đã gửi thông báo tới Đức Long Gia Lai và yêu cầu trong 30 ngày phải gửi cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu mở thủ tục phá sản và các tài liệu kèm theo.

Với vấn đề trên, Đức Long Gia Lai đã có văn bản giải trình. Đơn vị này cho biết, hiện nay công ty gặp phải khó khăn tài chính tạm thời do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 từ năm 2020-2023; khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng do xung đột Nga - Ukraine căng thẳng kéo dài chưa đến hồi kết. Trong nước, việc áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất ngân hàng tăng cao, việc tiếp cận vốn rất khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp trong cả nước đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và Tập đoàn Đức Long Gia Lai cũng không phải ngoại lệ.

Dù vậy, công ty vẫn đang khắc phục một cách hiệu quả và hiện đang tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nộp ngân sách đầy đủ cho Nhà nước và có trách nhiệm với cổ đông, nhà đầu tư, khách hàng.

DLG khẳng định “Công ty không bị mất khả năng thanh toán và có tổng tài sản gần 6.000 tỷ đồng; nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng, ngân hàng từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công nợ phải thu từ các đối tác. Khoản nợ của Lilama 45.3 rất nhỏ, chiếm chưa đến 0,3% tổng tài sản của công ty, hoàn toàn nằm trong khả năng thanh toán của công ty. Do đó, công ty không thuộc đối tượng phải áp dụng Luật Phá sản”, trích văn bản giải trình của DLG.

Phía Đức Long Gia Lai cũng cho biết, công ty đã thiện chí, làm việc với Lilama 45.3, đề ra lộ trình trả nợ, sẵn sàng trả nợ cho Lilama 45.3 sau khi hai bên thống nhất lộ trình thanh toán, nhưng phía công ty Lilama 45.3 chưa đồng ý.

Song song đó, DLG đang tập trung hoàn thành yêu cầu của Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai, xuất trình các văn bản, giấy tờ, tài liệu có liên quan để làm rõ việc công ty không bị mất khả năng thanh toán và đề nghị Tòa án trả lại Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Lilama 45.3.

Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 34,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 361,3 tỷ đồng

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo soát xét bán niên 2023 của DLG, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 511,6 tỷ đồng, giảm 29,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Đức Long Gia Lai (DLG) nói gì về số nợ ngắn hạn vượt quá tổng tài sản? - Ảnh 2

Lợi nhuận sau thuế của DLG ghi nhận khoản lãi 34,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 361,3 tỷ đồng. Lợi nhuận công ty mẹ đạt 27,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 370 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của công ty 5.701,9 tỷ đồng, trong đó phần lớn nằm ở tài sản cố định đạt 2.509 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn và dài hạn là 2.348 tỷ đồng.

Tổng cộng lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn là 211 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng trích lập dự phòng 1.362 tỷ đồng với nợ phải thu ngắn hạn khó đòi.

Về cơ cấu nợ, tổng nợ phải trả của DLG ghi nhận tại 4.568,7 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong khi đó, công ty đi vay 2.945 tỷ đồng, chiếm 64% tổng nợ phải trả. 

Vốn chủ sở hữu tính đến cuối quý II là 1.133 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là khoản âm 2.042 tỷ đồng. 

Tin Cùng Chuyên Mục