Ngày pháp luật

Dubai vươn lên trở thành thế lực công nghệ mới với làn sóng đầu tư từ Softbank, Sequoia Capital,...

Như Quỳnh

Vào năm 2021, Dubai được xếp là một trong những trung tâm phát triển công nghệ tiền điện tử nhanh nhất thế giới. Nơi đây cũng là nhà của nhiều start-up công nghệ tỷ đô.

Hậu đại dịch, Dubai đang vươn lên trở thành một thế lực công nghệ mới khi các công ty khởi nghiệp tại đây thu hút sự quan tâm từ nhiều nhà đầu tư mạo hiểm quốc tế, bao gồm SoftBank Group và Sequoia Capital.

Vươn lên trong Đại dịch

Trong khi Covid-19 khiến nhiều quốc gia đóng cửa, Dubai vẫn đón tiếp khách quốc tế hầu như trong suốt đại dịch, giúp thành phố thu hút lực lượng lao động  tay nghề cao. Các quan chức Dubai cho biết mức thuế thấp và quy định kinh doanh nhẹ nhàng cũng góp phần tạo nên môi trường kinh doanh hấp dẫn với các start-up công nghệ. 

"Covid chính là yếu tố thúc đẩy sự thay đổi, nó đã giúp Dubai tăng tốc hệ sinh thái công nghệ thêm 3-5 năm", Asher Siddiqui, một nhà đầu tư mạo hiểm tại Dubai nhận định. 

Sau dầu mỏ và du lịch, công nghệ được kỳ vọng trở thành động lực phát triển mới cho Dubai và UAE. Ảnh: Getty Images.
Sau dầu mỏ và du lịch, công nghệ được kỳ vọng trở thành động lực phát triển mới cho Dubai và UAE. Ảnh: Getty Images.

Ralf Glabischnig, người sáng lập Crypto Oasis, một tổ chức hỗ trợ các công ty khởi nghiệp blockchain và tiền điện tử cho biết ông chuyển đến Dubai vì đây là "trung tâm phát triển công nghệ tiền điện tử nhanh nhất trên toàn cầu". 

Crypto Oasis đã giúp 200 start-up xây dựng doanh nghiệp trên blockchain hoặc kinh doanh tiền điện tử ở Dubai. Sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, Binance, cũng đã thành lập văn phòng tại Dubai.

Dubai còn được hưởng lợi từ các hiệp định ngoại giao mới giữa Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) với Israel. Văn bản được ký kết vào năm 2020 với tên gọi 'Hiệp định Abraham', tạo cơ hội cho Dubai kết nối với trung tâm công nghệ đã được thiết lập ở Tel Aviv (Israel). Các công ty từ Israel, quốc gia có nền tảng công nghệ mạnh mẽ, đang mở rộng và chọn Dubai làm khu vực phát triển đầu tiên.

Làn sóng đầu tư từ quốc tế

Vốn đầu tư vào các công ty công nghệ Trung Đông và Bắc Phi, không bao gồm Israel, tăng gấp bốn lần từ 654 triệu USD vào năm 2020 lên 2,87 tỷ USD vào năm ngoái. Khoảng một nửa số vốn chảy vào UAE (theo nền tảng nghiên cứu Wamda). 

Theo CB Insights, Dubai hiện có 3 start-up công nghệ trị giá ít nhất 1 tỷ USD, bao gồm: nền tảng bếp đám mây Kitopi, nền tảng hàng không tư nhân Vista Global, và Emerging Markets Property Group chuyên điều hành các trang web  ở UAE, Ai Cập và các quốc gia khác.

Theo một nguồn tin nội bộ, quỹ tài sản trị giá 100 tỷ USD Sequoia Capital đã chuyển 3 giám đốc ở Ấn Độ sang Dubai trong giai đoạn 2020 - 2022. Người này khẳng định việc Sequoia Capital mở rộng đến Dubai đã giúp tạo ra những khoản đầu tư công nghệ đầu tiên đến khu vực vùng Vịnh. 

Nguồn tin này cũng cho biết Sequoia Capital đã dẫn đầu một vòng đầu tư giai đoạn đầu trị giá 33 triệu USD vào Lean Technologies - một công ty khởi nghiệp fintech có trụ sở tại Ả Rập Xê Út và quỹ này đang lên kế hoạch cho một thương vụ khác. Cùng với Lean Technologies, Sequoia Capital cũng đầu tư vào công ty khởi nghiệp fintech Telda (Ai Cập).

Kitopi nổi tiếng nhờ mô hình "bếp đám mây" (Cloud Kitchen), nhà hàng không đón bất kỳ vị khách nào mà chủ yếu là khách sẽ gọi đồ ăn mang về. Ảnh: MENAbytes. 
Kitopi nổi tiếng nhờ mô hình "bếp đám mây" (Cloud Kitchen), nhà hàng không đón bất kỳ vị khách nào mà chủ yếu là khách sẽ gọi đồ ăn mang về. Ảnh: MENAbytes. 

Vào tháng 7 năm ngoái, quỹ Softbank Vision 2 cũng dẫn đầu khoản đầu tư 415 triệu USD vào Kitopi. Vài tháng sau, SoftBank tiếp tục chi 125 triệu USD để mua cổ phần trong nền tảng tương tác khách hàng Unifonic (Ả Rập Saudi).

Tập đoàn đầu tư Nhật Bản được hỗ trợ 60 tỷ USD từ quỹ đầu tư công của Ả Rập Saudi và UAE. Softbank đã thành lập văn phòng tại Abu Dhabi vào năm 2018 nhưng quỹ Softbank Vision 1 chưa thực hiện bất kỳ khoản đầu tư nào vào Ả Rập.

Các quỹ tài sản công trong khu vực vùng Vịnh như quỹ đầu tư công Ả Rập Saudi và công ty đầu tư Mubadala (UAE) cũng đang góp vốn trực tiếp cho các công ty đầu tư mạo hiểm địa phương.

"Nhiều khoản tiền lớn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm ở thung lũng Silicon và trên toàn cầu đang đổ vào Dubai, họ coi đây là thế lực công nghệ tiếp theo", Kunal Savjani, một đối tác tại công ty liên doanh Shorooq Partners tuyên bố. 

Quyết tâm của Chính phủ UAE

Các nhà đầu tư mạo hiểm nhận xét thế giới Ả Rập nói chung và Dubai nói riêng có dân số trẻ, am hiểu công nghệ. Tuy nhiên xét về truyền thống, đây được xem là nơi cung cấp nguồn vốn cho các nhà đầu tư chứ chưa thực sự là nơi "khởi nghiệp" thành công cho các doanh nhân. 

Nguồn vốn đầu tư cho khu vực vùng Vịnh vẫn chưa thể sánh bằng với hàng xóm Israel. Theo Start-Up Nation Central, các start-up Israel thu hút được hơn 25 tỷ USD chỉ trong năm 2021. 

UAE quyết tâm thay đổi tình hình này và đặt mục tiêu trở thành nhà chung cho hơn 20 kỳ lân công nghệ vào năm 2031. Nước này đang cấp 100.000 "thị thực vàng", cho phép doanh nhân và nhà đầu tư công nghệ sống trong nước tối đa 10 năm, lâu hơn nhiều so với thị thực bình thường. UAE còn thiết lập các chương trình kích cầu đầu tư trong nước nhằm giúp start-up nội địa tìm kiếm nguồn vốn, đối tác và tiếp thị sản phẩm ra nước ngoài. 

Uber trình diễn công nghệ taxi bay tại một triển lãm ở Dubai. Ảnh: Israel Times.
Uber trình diễn công nghệ taxi bay tại một triển lãm ở Dubai. Ảnh: Israel Times.

"Bạn không thể thu hút nhân tài chỉ bằng việc mở cửa biên giới, bạn cần phải tạo ra cơ hội, môi trường phù hợp cho họ", Sarah al Amiri, Bộ trưởng Bộ Công nghệ tiên tiến UAE cho biết.

Dubai được chọn là nơi khởi nghiệp của nhiều start-up vì nguồn nhân lực dồi dào. Công ty gọi xe công nghệ Swvl Technologies được định giá 1,5 tỷ USD cũng đặt trụ sở tại đây. Thế nhưng thay vì tập trung hoạt động ở quê nhà, Swvl Technologies xác định thị trường chính là Ai Cập, Pakistan và Kenya. 

"Đơn giản là Dubai có thể mang bất kỳ nhân tài nào bạn cần, dù họ có đến từ bất kỳ đâu trên thế giới", doanh nhân người Ai Cập Mahmoud Nouh, đồng sáng lập Swvl cho biết. 

Nhờ sự khuyến khích từ Chính phủ, các start-up ở Dubai đạt nhiều thành tựu đáng nể. Vào năm 2019, Uber Technologies chi 3,1 tỷ USD để mua lại "siêu ứng dụng" Careem. Hay trước đó nữa vào năm 2017, Amazon từng bỏ ra 580 triệu USD nhằm sáp nhập nền tảng Souq - nền tảng thương mại điện tử thành lập năm 2005 tại Dubai. 

Tin Cùng Chuyên Mục