Tại Hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, được tổ chức chiều ngày 12/3 tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thông báo, hàng hóa nông sản trong nước hiện đang rất dồi dào, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và thậm chí vẫn đạt chỉ tiêu xuất khẩu trong tình hình dịch COVID-19 như hiện nay.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT và các doanh nghiệp tham gia Hội nghị cho thấy, ngay cả thịt lợn, dù chịu ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi suốt năm 2019 nhưng tổng đàn trên cả nước vẫn đạt gần 24 triệu con.
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) nhận định, với tốc độ tăng đàn, tái đàn như hiện nay, chăn nuôi sẽ là “cứu cánh” cho ngành nông nghiệp trong năm 2020 và bảo đảm thị trường nội địa sẽ không thiếu nguồn cung các loại thịt. Song so với thời điểm trước dịch, giá thịt lợn vẫn ở mức cao.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, nếu không kìm được giá thịt lợn ở mức có lợi cho cả doanh nghiệp chăn nuôi, nhà phân phối, người tiêu dùng thì Chính phủ sẽ mở cửa thị trường, cho phép nhập khẩu thịt lợn từ nhiều nguồn. Khi đó, có thể doanh nghiệp chăn nuôi trong nước lại phải kêu gọi giải cứu thịt lợn.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và Bộ NN&PTNT kêu gọi các doanh nghiệp chăn nuôi đồng hành kìm, giảm giá thịt lợn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kêu gọi 17 tập đoàn nông nghiệp, ngay sau Hội nghị, đưa giá thịt lợn về mức 70.000 đồng/kg để ổn định thị trường. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như Dafaco, CP, Masan đã cam kết thực hiện.
Trong 3 tháng qua, dịch COVID-19 đã gây ra những tác động tiêu cực cho ngành nông nghiệp, nhiều mặt hàng nông sản không thể xuất khẩu, tiếp tục sử dụng giải pháp tình thế là kêu gọi người tiêu dùng giải cứu nông sản.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ cùng với các bộ, ngành liên quan sẽ sát cánh cùng các địa phương phát triển thị trường mới cho các mặt hàng nông sản chủ lực, có khả năng cạnh tranh như vải Bắc Giang, tôm Bạc Liêu…
Cho rằng phải chủ động đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu ngành nông nghiệp phải chuẩn bị các kịch bản để sẵn sàng tăng tốc sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tập trung thúc đẩy sản xuất, khắc phục khó khăn, cung ứng thực phẩm trong mọi hoản cảnh; tập trung các biện pháp khống chế dịch bệnh không để phát sinh, không để thực phẩm leo giá và đặc biệt, không để tình trạng trục lợi.
Chuẩn bị điều kiện tốt nhất để thúc đẩy sản xuất, tìm thị trường mới cho các mặt hàng xuất khẩu sau dịch bệnh được kiểm soát.