Intracom tiền thân là Công ty Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Giao thông đô thị với 100% vốn nhà nước, từng là một thành viên của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico). Sau khi chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, tính đến ngày 30/6/2015, tổng tài sản của Intracom là 2.050 tỷ đồng, tăng 41 lần so với khi bắt đầu cổ phần hóa.
Về cơ bản, tại thời điểm đó Intracom đã thuộc về ông Nguyễn Thanh Việt (Shark Việt, sinh năm 1963) với 17,8 triệu cổ phần, tương đương 98,98% vốn điều lệ. Còn Handico chỉ nắm giữ 0,555% vốn điều lệ.
Intracom bao gồm những công ty nào?
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Intracom là ông Nguyễn Thanh Việt, vị giám khảo kiêm nhà đầu tư đã có những khoản chi khá mạnh tay dành cho các startup trong chương trình Shark Tank Việt Nam.
Hệ sinh thái Intracom hoạt động trên 6 lĩnh vực chính, trong đó nổi bật nhất là 3 mảng bất động sản, thủy điện và y tế.
Trong lĩnh vực bất động sản, Intracom sở hữu 8 dự án bao gồm: Intracom 1-6, Intracom 8 và Intracom 208. Với lĩnh vực thủy điện, Intracom đã rót vốn đầu tư vào thủy điện Cẩm Thủy 1 tại tỉnh Thanh Hóa (công suất 38MW), hai dự án thủy điện Tà Lơi 2-3 và Nậm Pung tại Lào Cai (tổng công suất 26,8 MW).
Trong mảng y tế, Intracom đã cùng với Công ty TNHH Tổ hợp Y tế Phương Đông đầu tư vào dự án Tổ hợp Y tế Phương Đông có quy mô 9,5 ha, cung cấp trên 1.000 giường bệnh. Doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2010 với 2 cổ đông sáng lập là Intracom và Fair Enterprising Holdings Limited (có trụ sở tại Trung Quốc).
Tới tháng 10/2015, công ty này nâng vốn lên 1.136,5 tỷ đồng, trong đó Intracom góp 1.022,9 tỷ đồng (tương đương 90% vốn điều lệ) và Fair Enterprising Holdings Limited góp 113,6 tỷ đồng (tương đương 10% vốn điều lệ).
Đến tháng 10/2020, cổ đông ngoại đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Tổ hợp Y tế Phương Đông xuống chỉ còn 1% vốn điều lệ. Trong cơ cấu cổ đông xuất hiện thêm một cá nhân mới là ông Nguyễn Công Minh - người có cùng đăng ký thường trú với Shark Việt. Ông Minh nắm giữ 9% cổ phần.
Từ năm 2019, Tổ hợp Y tế Phương Đông đã bắt đầu ghi nhận doanh thu với trị giá 89 tỷ đồng nhưng vẫn báo lỗ gần 54 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của công ty đạt hơn 1.039 tỷ đồng.
Những khoản đầu tư chưa sinh lời
Sau khi cổ đông nhà nước thoái lui, Shark Việt đã điều hành giúp công ty liên tục gia tăng quy mô tổng tài sản. Chỉ trong 3 năm từ 2017 đến 2019, tài sản của Intracom tăng từ 3.097 tỷ đồng lên 5.020 tỷ đồng, tương đương với mức gia tăng hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Thế nhưng trong cả 3 năm này chỉ duy nhất năm 2019 Intracom báo lãi với số lợi nhuận chỉ 60 triệu đồng.
Kết quả kinh doanh hợp nhất của Intracom có phần khả quan hơn, song vẫn thấp nếu so với quy mô công ty. Trong nửa đầu năm 2020, công ty báo lãi 44 tỷ đồng, còn cùng kỳ năm trước báo lãi gần 41 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của nửa đầu năm 2020 cũng chỉ đạt mức 2,55%.
Tính đến hết quý II/2020, dư nợ của Intracom là 3.928 tỷ đồng, tăng 654 tỷ đồng so với cùng kỳ 2019, đồng thời cao gấp 2,28 lần so với quy mô của vốn chủ sở hữu. Trong số dư nợ tăng thêm này gồm có lô trái phiếu 100 tỷ đồng kỳ hạn 36 tháng mà Intracom đã phát hành ngày 14/2/2020. Chỉ trước đó 2 ngày, vợ chồng ông Nguyễn Thanh Việt - bà Trần Thị Lý cũng đã đem 9,65 triệu cổ phần Intracom thế chấp tại một ngân hàng tư nhân trong nước.
Công ty cổ phần Thuỷ điện Nậm Pung – Intracom (Nậm Pung Intracom) trong giai đoạn từ 11/12 – 22/12/2020 cũng đã huy động được 75 tỷ đồng từ kênh trái phiếu dù trong 3 năm trước đó, Nậm Pung Intracom liên tiếp báo lỗ.
Hồi tháng 1/2018, công ty này có quy mô vốn điều lệ 76,16 tỷ đồng. Trong đó Intracom góp 56,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ chi phối 73,881%. Số cổ phần còn lại do Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Hạ tầng và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp sở hữu. Cả 2 pháp nhân này đều đăng ký trụ sở chính tại toà nhà văn phòng Intracom, phường Phúc Diễm, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đến tháng 11/2020, Nậm Pung Intracom đã nâng vốn điều lệ lên 120 tỷ đồng.